Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Việt Nam không có tư tưởng bó tay, khuất phục trước khó khăn"

An Linh Thứ hai, ngày 12/09/2022 18:11 PM (GMT+7)
"Chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn…", Thủ tướng nói.
Bình luận 0

Thủ tướng: Việt Nam không có tư tưởng bó tay, ngồi chờ!

Đây là quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra tại Hà Nội, chiều nay 12/9.

Thủ tướng: Việt Nam không có tư tưởng bó tay,  khuất phục trước khó khăn - Ảnh 1.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn chủ động ứng phó và thích ứng trước khó khăn, thách thức. (Ảnh VGP)

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đại diện các nhà tài trợ cho Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, các cơ quan viện trợ Chính phủ nước ngoài như Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Euro Cham) và Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, người đúng đầu Chính phủ Việt Nam nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong việc đẩy lùi dịch bệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát và dự kiến mục tiêu GDP tăng trưởng 7% trong năm 2022.

Thủ tướng cho biết, rất mừng là các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm thu NSNN đáp ứng nhu cầu, chi - thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4%; xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu gần 4 tỷ USD, thị trường lao động phục hồi… Đặc biệt, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế Việt Nam để các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu góp ý, kiến tạo.

Thủ tướng: Việt Nam không có tư tưởng bó tay,  khuất phục trước khó khăn - Ảnh 2.

Cộng đồng quốc tế, chuyên gia đưa ra nhiều đề xuất cho kinh tế Việt Nam từ nay cuối năm. (Ảnh VGP)

"Nền kinh tế Việt Nam quy mô khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn nên một tác động nhỏ bên ngoài cũng có ảnh hưởng tới trong nước. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số giải pháp, chính sách có độ trễ trong triển khai. Thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro, vừa qua, đã tổ chức nhiều hội nghị về các thị trường này để điều tiết phù hợp và không siết chặt một cách bất hợp lý…", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu.

Tham gia vào phần thảo luận, đại diện các định chế tài chính quốc tế, tổ chức phi chính phủ đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ, Thủ tướng khi "đặt đề bài", lắng nghe và sẵn sàng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các định chế tài chính song và đa phương lớn.

Đại diện WB đưa ra cho Việt Nam những lưu ý như xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu sẽ tác động đến tăng trưởng của Việt Nam và sự phục hồi nền kinh tế nội địa. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến rủi ro nhiều loại giá cả tăng cao, chi phí sản xuất và lao động cũng ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam.

Đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, với quy mô dân số lớn, hiện nhu cầu thị trường trong nước đang được tăng lên, những kênh tiêu dùng cũng được tăng cường, bán lẻ đang cao. 

"Sự thành công của Việt Nam mở ra triển vọng tốt đẹp đối với môi trường đầu tư và kinh doanh", đại diện ADB cho hay.

Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thu hút thêm đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh việc Việt Nam mở cửa sớm sau đại dịch Covid -19 nhưng đề xuất Việt Nam cần có thêm các chính sách nới lỏng visa để thu hút du khách. Đại diện Euro Cham nêu ví dụ của Thái Lan đang rất thành công trong việc hút khách du lịch với chính sách miễn visa lên tới 30 ngày.

Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho rằng: Nhiều địa phương của Việt Nam hội đủ các yếu tố để phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều công ty Hàn Quốc sẵn sàng và mong muốn đầu tư vào công nghệ xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có cách biệt từ ý tưởng tới thực hiện ý tưởng đầu tư.

KOICA "đề nghị Chính phủ Việt Nam tổ chức bài bản hơn nữa để giới thiệu các tiềm năng và biến tiềm năng thành hiện thực với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo xu thế thế giới hiện nay là khuyến khích sản xuất xanh".

Theo KOICA, mặc dù Việt Nam tăng trưởng kinh tế rất tốt nhưng vẫn còn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị, việc phát triển cần phải công bằng, bao trùm hơn nữa để phân chia lợi ích tăng trưởng một cách tốt hơn nữa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem