Quyết liệt kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô theo thông điệp của Thủ tướng
Quyết liệt kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô theo thông điệp của Thủ tướng
Chủ nhật, ngày 21/08/2022 17:27 PM (GMT+7)
Để thực hiện yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không"của Thủ tướng Chính phủ, một trong những yếu tố quyết định là phải có giải pháp kiềm chế lạm phát quyết liệt, hiệu quả.
Cần đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá để tránh ảnh hưởng kiềm chế lạm phát
Trước yêu cầu tập trung thực hiện "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" để phát triển kinh tế-xã hội, chuyên gia kinh tế, TS. Doãn Hữu Tuệ cho rằng, đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, là định hướng nhất quán trong quá trình xây dựng, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo có xu hướng chậm lại, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, cộng với áp lực lạm phát, khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế…
Nói về vấn đề cần tập trung thực hiện "4 ổn định" mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra, ông Doãn Hữu Tuệ cho rằng, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn ở thời điểm này là yêu cầu hết sức quan trọng. Mặc dù tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 7 và 7 tháng qua có khởi sắc và đạt được kết quả tích cực trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhưng nền kinh tế đang phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là áp lực lạm phát.
Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu đang có xu hướng tăng lên, NHNN Việt Nam cần bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định, linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế, với mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, NHNN vẫn cần ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Ông Doãn Hữu Tuệ phân tích: Trong thời điểm này, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng cao do thời tiết nắng nóng; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 7 năm nay tăng 3,59% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,14%. Như vậy, bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Với con số do Tổng cục Thống kê đưa ra, có thể thấy lạm phát đang được kiểm soát tốt, nhưng dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày càng bị thu hẹp; áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân gây lạm phát chủ yếu do 4 yếu tố. Thứ nhất, giá nguyên, nhiên vật liệu, đặt biệt là giá xăng dầu trên thế giới tăng cao trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm. Thứ ba, cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng tăng cao. Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo lộ trình đã đề ra.
Vì thế, để thực hiện yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một trong những yếu tố quyết định là phải có giải pháp kiềm chế lạm phát quyết liệt, hiệu quả. Nếu không, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% sẽ là một thách thức rất lớn.
Để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tới các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cần phải chú trọng khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; đẩy mạnh công tác phân tích, dự báo; chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả các đối sách, giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa, hợp lý cả trước mắt và lâu dài, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra.
Chuyên gia Doãn Hữu Tuệ cho rằng, đối với mặt hàng xăng dầu, cần sớm có giải pháp tăng khả năng dự trữ quốc gia, bảo đảm nguồn cung trong nước và không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, dự trữ quốc gia đối với xăng dầu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng là điều rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh giá thế giới biến động khó lường. Bên cạnh đó, cần có giải pháp miễn, giảm thuế phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải chuẩn bị đầy đủ nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân trong những tháng còn lại của năm.
Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, Bộ NN&PTNT cần chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung, nhất là giai đoạn cuối năm. Bộ Công Thương và các địa phương cần tăng cường kiểm soát các khâu trung gian và hoạt động lưu thông trên thị trường nhằm ổn định giá của các mặt hàng này.
Đồng thời, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định số 81 và giá dịch vụ y tế theo lộ trình để điều chỉnh cho phù hợp. Không nên điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng thời điểm để tránh cú "sốc" về giá. Đối với học phí, cần tránh thực hiện điều chỉnh hàng loạt giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát.
Về tổng thể, chuyên gia này nhấn mạnh, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Mặt khác, cần đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhưng không chủ quan với nguy cơ lạm phát.
Trong vấn đề kinh tế vĩ mô, chuyên gia Doãn Hữu Tuệ cho rằng cần lưu ý đến yếu tố xuất khẩu. Trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Chúng ta có tới 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,5%). Có một điểm đáng lưu ý là mặc dù về kim ngạch xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước vẫn còn khoảng cách xa so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, song về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lại cao hơn. Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, theo dự báo, những tháng cuối năm, việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ gặp không ít thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU đang chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái, dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng… Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Vì thế, chuyên gia này đề xuất, trong bối cảnh này cần đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất để các bên kịp thời cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Tháo gỡ ngay các vướng mắc, rào cản gây tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh
Trao đổi về nội dung "2 đẩy mạnh" mà thông điệp của Thủ tướng đưa ra là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm, và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch, ông Doãn Hữu Tuệ khẳng định, việc hỗ trợ, đẩy mạnh doanh nghiệp ở thời điểm này cần phải tích cực hơn, quyết liệt hơn. Đặc biệt, cần phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cũng cần phải yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với những doanh nghiệp chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.
Theo chuyên gia này, trong nước, nền kinh tế đã phục hồi nhanh hơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp đang là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Gói phục hồi kinh tế của Chính phủ với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí đang, đã và sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Cầu nội địa phục hồi và gia tăng dần do việc mở cửa du lịch trở lại kích thích mua sắm, tiêu dùng, sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Theo con số của Tổng cục Thống kê, hiện có gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III/2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý II/2022.
"Mặc dù hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thiếu cả về số lượng và chất lượng", ông Doãn Hữu Tuệ nói.
Ông Doãn Hữu Tuệ phân tích, theo con số của Tổng cục Thống kê đưa ra thì số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn.
Ở nước ta, số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong còn rất hạn chế. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại...
Ngoài ra, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn; vai trò của các hiệp hội ngành nghề còn hạn chế và chưa phát huy được hết chức năng đại diện, liên kết phát triển.
Mặt khác, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí (ví dụ như chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm; chi phí logistics tăng cao từ 3-5 lần); tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, địa phương; sự biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu (ví dụ như một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh).
Đặc biệt, một số chính sách đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, như việc quy định tăng mức lương tối thiểu vùng đã tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỉ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức cao, khả năng tiếp cận tín dụng và các kênh huy động vốn khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vì thế, chuyên gia Doãn Hữu Tuệ đề xuất, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất; kiểm soát nhập khẩu, kiểm soát giá để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.
Đồng thời cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ những chính sách mà doanh nghiệp nêu ra để giải quyết vấn đề tiền lương, thu hút người lao động, giảm bớt thủ tục để doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp.
Quán triệt tốt tinh thần của yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không", tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2022 chắc chắn sẽ tiếp tục khởi sắc, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.