Thực trạng hai đại dự án Đạm "ôm" nợ nghìn tỷ bị Thủ tướng "lệnh" quyết liệt tái cơ cấu

An Linh Thứ ba, ngày 16/08/2022 12:01 PM (GMT+7)
Dù hai năm qua, hai nhà máy đạm thuộc danh mục 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương đã có doanh thu và lợi nhuận nhưng với số nợ gốc tồn dư quá lớn, để hoạt động thực sự hiệu quả, thoát nợ khủng không hề đơn giản.
Bình luận 0

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tiếp làm việc ở các dự án thua lỗ ngành Công Thương, trong đó có hai nhà máy đạm Ninh Bình và Hà Bắc. Tại đây, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp trên cần có quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ để đưa các dự án này ra khỏi danh mục đại dự án thua lỗ, nợ lớn và hoạt động có hiệu quả.

Sau gần thập kỷ, đạm Ninh Bình vẫn "ôm" nợ 12.000 tỷ đồng

Khởi công tháng giữa năm 2008, dự án nhà máy đạm Ninh Bình được khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 2012, đến năm 2013 doanh nghiệp này vận hành thương mại 90%.

Thực trạng hai đại dự án đạm "ôm" núi nợ nghìn tỷ bị Thủ tướng "lệnh" quyết liệt tái cơ cấu - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột và yêu cầu quyết liệt tái cơ cấu các đại dự án thua lỗ, gánh núi nợ lớn của ngành Công Thương (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, ngay sau đó Đạm Ninh Bình vướng khoản lỗ khổng lồ giai đoạn 2012-2016 là hơn 3.100 tỷ đồng. Giữa năm 2016, Đạm Ninh Bình dừng sản xuất và đến cuối năm 2019 doanh nghiệp này có số nợ lớn trên 5.700 tỷ đồng (tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng), thuộc danh mục đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương.

Từ năm 2021, nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động ổn định hơn, mặc dù vẫn lỗ nhưng số lỗ năm 2021 giảm trên 1.600 tỷ đồng so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này có mức lãi gần 700 tỷ đồng; dự kiến cả năm 2022 lợi nhuận đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lỗ luỹ kế hiện tại của Đạm Ninh Bình vẫn rất lớn, đến cuối năm 2021, Đạm Ninh Bình còn số nợ khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 9.600 tỷ đồng, nợ lãi khoảng 2.400 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc chuyển lãi sang lỗ do... mở rộng!?

Đối với Nhà máy phân đạm Hà Bắc, theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2022, doanh thu của Đạm Hà Bắc đạt trên 3.500 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do các năm trước lỗ liên tiếp nên số lỗ luỹ kế đến tháng 6/2022 của doanh nghiệp này vẫn trên 3.400 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Hà Bắc cơ bản đã chấm dứt cảnh nợ liên tục qua các năm.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại nhà máy đạm Hà Bắc, theo các báo cáo và ý kiến của doanh nghiệp: Sau khi mở rộng, nhà máy luôn vận hành ổn định nhưng Công ty Đạm Hà Bắc lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ.

Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn, với các khoản vay ngân hàng có lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn) dẫn đến lãi chồng lãi. Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu chưa được giải quyết dứt điểm.

Về số nợ, đến cuối năm 2021, Công ty đạm Hà Bắc trả nợ 2.323 tỷ đồng và hơn 104 triệu USD, nhưng vẫn còn nợ hơn 6.400 tỷ đồng.

Năm 2022, Đạm Hà Bắc có doanh thu đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế trên 1.300 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 409 tỷ đồng). 

Nhưng do lỗ luỹ kế các năm 2015-2020 lớn, nên Đạm Hà Bắc hiện vẫn gánh khoản lỗ lớn lên tới 4.760 tỷ đồng cho dù hai năm qua, doanh nghiệp này đã có doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.

Khó vay vốn, khó cạnh tranh và không quyết liệt cải cách

Thực trạng chung hai nhà máy đạm Ninh Bình và Hà Bắc hiện là tranh chấp khó giải quyết với tổng tầu EPC tồn tại nhiều năm, chi phí đầu vào cao nên sức cạnh tranh thấp, sản phẩm khó tiêu thụ, khó khăn về vốn khi hoạt động do không có nguồn vay, bên cạnh đó là thiếu động lực của đổi mới, cải cách…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo của hàng loạt đại dự án thua lỗ như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra các tồn tại cố hữu của hai dự án Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình là: Đầu tư lâu, kéo dài nhiều năm, thua lỗ kéo dài; phê duyệt vốn cho dự án ban đầu ít, sau tăng nhiều; tranh chấp hợp đồng EPC, sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, lãi mẹ đẻ lãi con.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và doanh nghiệp liên quan tập trung tái cơ cấu nợ vay là trọng tâm đề án, giải quyết nhanh tranh chấp trong hợp đồng EPC và hoàn thành đề án ngay trong tháng 8.

Đối với hai nhà máy đạm, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ lại nhà máy nhưng quyết tâm tái cơ cấu lại với các giải pháp như cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, đa dạng hoá sản phẩm…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm, "tính chiến đấu" với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Hiện, trong 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của Bộ Công Thương hiện đã có 5 dự án thoát khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài, bắt đầu sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn lại 7 dự án vẫn có số nợ rất lớn, vướng mắc nhiều vấn đề về vốn, công nghệ, tổng thầu và hiệu quả kinh tế kém.

5 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài nhiều năm của ngành Công Thương gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng; Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ (PVB); Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước (OBF); Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất;

7 dự án còn nợ khủng, thua lỗ, tồn tại quá nhiều vấn đề khó xử lý; Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa; Dự án Nhà máy thép Việt Trung: Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam và Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem