Tiến tới giảm nghèo theo địa chỉ

Thứ bảy, ngày 07/06/2014 07:10 AM (GMT+7)
Ngày 7.6, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Bình luận 0
Trao đổi với phóng viên NTNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (ảnh) khẳng định: “Cần phân cấp mạnh hơn nữa thì chính sách giảm nghèo mới thực chất và hiệu quả”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng

Chính sách giảm nghèo thời gian qua vẫn còn có những tồn tại, một trong số đó là sự chồng chéo trong các chính sách. Theo ông, giải pháp nào để hạn chế những chồng chéo này?

- Về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, chúng ta đã đạt được những thành tựu ấn tượng, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng còn có những hạn chế về mặt chính sách, có thể nói hệ thống chính sách tuy được hoàn thiện đầy đủ hơn nhưng vẫn còn chồng chéo, manh mún, dàn trải.

Về chồng chéo, thể hiện rõ nhất ở ba khía cạnh: Thứ nhất là chồng chéo về mặt nội dung. Cùng một chính sách về nhà ở nhưng có nhiều văn bản được ban hành (134, 167). Thứ hai là chồng chéo về mặt đối tượng. Tôi thấy có những nông dân học tới 5-6 lớp vì nhiều ngành nhiều đoàn thể cùng tổ chức dạy nghề. Thứ 3 là chồng chéo về thời gian, có thể trên cùng một thời gian có nhiều chính sách triển khai nên phân tán.

img

Nhiều hộ ND huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) vay vốn tín dụng chính sách nuôi trâu sinh sản.

Về cách khắc phục, báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại theo hướng tập trung, giảm bớt các văn bản để hệ thống chính sách giảm nghèo, có độ bao phủ rộng nhưng phải rõ thời gian, đối tượng.

Về mặt tổ chức thực hiện, có 3 điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, phân công đầu mối phải rõ ràng hơn. Thứ hai là phải phân cấp mạnh hơn nữa. Nhất là tới đây ta phải quyết tâm thực hiện giảm nghèo theo địa chỉ, tức là giảm nghèo theo nguyên nhân. Điểm nữa là phải gắn nguồn lực đầu tư với kết quả đầu ra.

Trước đây chúng ta đã có gắn một phần nhưng như kiểu Đề án dạy nghề 1956, có tiêu chí 70% học viên sau khi học xong phải có việc làm thì cũng có những biến báo để đảm bảo thủ tục thanh toán như nhiều nơi sau khi học xong, người ta ký các hợp đồng giả với các DN để đảm bảo có đủ 70% người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp, có hợp đồng lao động cho đủ hồ sơ để quyết toán.

Tới đây gắn kết quả đầu ra mạnh hơn, nghĩa là phải có việc làm thực sự mới giúp cho việc giảm nghèo hiệu quả.

Ông đánh giá thế nào về đóng góp của chính sách tín dụng trong quá trình giảm nghèo thời gian qua. Đâu là tồn tại cần khắc phục?

- Theo tôi, chính sách tín dụng là một trong những chính sách có hiệu quả, nói một cách hình ảnh thì đó là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện giảm nghèo. Tính từ khi thành lập tới thời điểm này, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã tạo điều kiện hỗ trợ cho vay tới 23,4 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo, các hộ chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi và cũng nhờ nguồn này, đã có trên 3 triệu lượt hộ nghèo đã thoát nghèo.

Mặt khác, chính sách này làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo của các hộ nghèo vì vốn vay thì đương nhiên khác với cái được cho không, dù sao cũng phải suy nghĩ làm sao sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả. Thứ ba là chính sách này cũng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể địa phương.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, trong tổng số dư nợ của hệ thống, dư nợ qua vốn ủy thác đối với 4 tổ chức đoàn thể là Hội Phụ nữ, Hội ND, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên chiếm tới 98,7%, tức là trên 120.000 tỷ đồng. Như vậy là chính sách này có hiệu quả và trên thực tế đã đi tới tận những bản làng xa xôi, người dân nói rằng đã được vay vốn, tiếp cận và thụ hưởng chính sách này.

Về việc TP.HCM và Bình Dương không còn hộ nghèo, ông Đỗ Mạnh Hùng nói: Đây là thực tế ở địa phương- theo chuẩn nghèo quốc gia (400-500 nghìn đồng/người/ tháng). TP.HCM đã nâng chuẩn nghèo lên 1.250.000 đồng/người/tháng. Bình Dương nâng chuẩn nghèo là 800.000 - 900.000 đồng/tháng. Nếu theo chuẩn nghèo mới này thì vẫn còn một tỷ lệ hộ nghèo nhất định.

Tuy nhiên, vẫn có mặt còn hạn chế. Thứ nhất là nguồn vốn chưa đáp ứng được nhu cầu. Qua giám sát thì thấy chỉ có 10% số hộ được vay ở mức tín dụng cao nhất, trong khi đó người dân vẫn có nhu cầu vay. Ví dụ như vay vốn mua bò thì mức cho vay tối đa 30 triệu đồng chỉ đáp ứng một phần, chứ chưa kể tới những dự án lớn, phức tạp. Thực tế chỉ có 10% số hộ được vay ở mức này.

Vẫn còn những tồn đọng giữa ngân sách nhà nước và Ngân hàng CSXH. Chúng tôi được biết nợ cấp bù lãi suất vẫn rất lớn, tại thời điểm giám sát, Bộ Tài chính xác nhận ngân sách vẫn còn nợ cấp bù lãi suất trên 2.000 tỷ đồng.

Thời gian cho vay và lãi suất vẫn chưa linh hoạt: Chu kỳ giảm nghèo với một hộ từ 3–5 năm. Nhưng nếu cho vay trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) thì thời gian vay phải dài hơn. Thời gian tới, phải tăng nguồn vốn để đảm bảo hộ nghèo và cận nghèo nếu có nhu cầu đều có thể tiếp cận được. Thứ hai là mức cho vay, lãi suất và thời gian phải phù hợp để đảm bảo giảm nghèo theo địa chỉ, sẽ có một khung linh hoạt để xử lý, chứ không đóng khung 3–5 năm hay mức vay 30-50 triệu.

Xin cảm ơn ông!


Hải Phong (thực hiện) (Hải Phong (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem