Liên kết trong tổ hợp tác trồng dừa, nông dân xã Lê Minh Xuân làm giàu trên đất khó

Trần Khánh Thứ ba, ngày 11/10/2022 06:31 AM (GMT+7)
Nhờ liên kết sản xuất, tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân đã giúp nhiều nông dân ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên những vùng đất quanh năm nhiễm phèn, mặn của huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Bình luận 0

Bỏ cây mía, lập tổ hợp tác trồng dừa

Xã Lê Minh Xuân là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Bình Chánh với gần 2.500ha. Các loại cây trồng truyền thống ở vùng này là mía và lúa không đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của nông dân rất bấp bênh.

Những năm gần đây, nhiều nông dân đã chuyển đổi dần sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như lan, hoa kiểng, dừa, mai… Một người làm hiệu quả, rồi nhiều người liên kết lại cùng làm để giúp nhau vượt khó.

Lãnh đạo huyện Bình Chánh tham quan mô hình trồng dừa ở xã Lê Minh Xuân. Ảnh: T.L

Lãnh đạo huyện Bình Chánh tham quan mô hình trồng dừa ở xã Lê Minh Xuân. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Văn Tư – tổ trưởng tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân kể, trước kia, ông chuyên trồng mía. Nhưng giá mía không ổn định, người dân thường bị thương lái ép giá, ông Tư bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Được chính quyền địa phương hỗ trợ, tổ chức tham quan học hỏi, năm 2016, ông Tư vay 50 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân TP.HCM để chuyển sang trồng dừa.

Hiện nay, vườn dừa hơn 6.000 m2 của ông Tư đang trồng hơn 1.000 cây, gồm 2 giống dừa xiêm xanh và xiêm đỏ. Tận dụng khoảng trống giữa các cây dừa trong còn nhỏ, ông Tư còn trồng xen canh những giống cây ngắn ngày như đậu bắp, cà chua, mướp... để lấy ngắn nuôi dài.

Trái dừa tươi của ông Tư được các thương lái đến tận vườn thu mua với giá 6.000-7.000 đồng/trái. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông còn lời khoảng 220 triệu đồng/năm.

Nông dân xã Lê Minh Xuân đào mương, lên liếp trồng dừa. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân xã Lê Minh Xuân đào mương, lên liếp trồng dừa. Ảnh: Trần Khánh

Từ mô hình của ông Tư, nhiều nông dân khác ở xã Lê Minh Xuân dần làm theo và cùng liên kết sản xuất. Năm 2018, tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân do ông Tư làm tổ trưởng được thành lập với 18 thành viên, trên tổng diện tích trồng 60 ha.

Tổ hợp tác chủ yếu trồng dừa xiêm Malaysia với 2 loại, xiêm xanh và xiêm đỏ. Ông Tư cho biết, điểm thuận lợi là các thành viên trong tổ đều có chung niềm đam mê. Mọi người tham gia vào tổ hợp tác được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Đầu ra của tổ hợp tác ổn định, đời sống các thành viên ngày được nâng lên.  

"Khi còn làm đơn lẻ, nông dân suốt ngày tự mày mò, tìm hiểu kỹ thuật trồng. Đến khi thu hoạch, lại chạy đôn chạy đáo lo tìm nơi tiêu thụ. Khi vào tổ hợp tác, nhiều thành viên nhàn rỗi hơn nhiều", ông Tư nói.

Thành viên tổ hợp tác trồng dừa giúp nhau làm giàu

Ngừng trồng lúa từ 10 năm trước, anh Bùi Ngọc Thảo, nông dân ở xã Lê Minh Xuân chuyển sang trồng giống dừa xiêm Malaysia trên diện tích 1ha. Anh Thảo cho biết, cây dừa có giá trị kinh tế không cao bằng các loại cây ăn trái khác. Tuy nhiên, cây dừa thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Liên kết trồng dừa, nhiều nông dân xã Lê Minh Xuân ổn định thu nhập. Ảnh: Trần Khánh

Liên kết trồng dừa, nhiều nông dân xã Lê Minh Xuân ổn định thu nhập. Ảnh: Trần Khánh

So với các giống dừa khác, giống dừa xiêm Malaysia vỏ mỏng, ngọt nước. Giống dừa này còn cho năng suất cao, mỗi cây dừa có nhiều buồng, mỗi buồng có từ 15-20 trái.

Lúc đầu anh Thảo phải tự tìm hiểu kỹ thuật trồng. Anh Thảo cho biết, kinh nghiệm của một người là không đủ. Sau khi tham gia vào tổ hợp tác, anh được hướng dẫn và chia sẻ kỹ thuật để ứng dụng vào tạo giống, chăm sóc dừa đạt chuẩn và có đầu ra ổn định.

Mỗi năm, 300 cây dừa của anh Thảo cho thu hoạch khoảng 30.000 trái; đem về cho anh nguồn thu nhập khoảng 240 triệu đồng/năm.

Anh Bùi Ngọc Thảo, thành viên Tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân. Ảnh: Trần Khánh

Anh Bùi Ngọc Thảo, thành viên tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân. Ảnh: Trần Khánh

Ngoài trái dừa tươi, anh Thảo còn sản xuất cây dừa giống, bán lại cho bà con trong vùng. Hiện tại, vườn dừa của anh đang tạo công văn việc làm cho 15 lao động phổ thông ở địa phương, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Hàng chục hội viên nông dân gặp khó khăn cũng được anh hỗ trợ cây giống, và chuyển giao kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Tư – tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, nhờ chuyển đổi mô hình và liên kết sản xuất, việc trồng dừa của bà con hiệu quả hơn nhiều với làm lúa, mía trước kia. Tuy nhiên, sản lượng hiện tại chỉ đủ cung cấp cho thị trường thu mua trái dừa tươi.

"Khi có nhiều nông dân cùng tham gia liên kết, chúng tôi sẽ tiến tới liên kết thành lập HTX, đa dạng hóa các sản phẩm khác từ dừa để nâng cao thu nhập cho thành viên", ông Tư nói.

Tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân là mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Khánh

Tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân là mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Thanh Bạch - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Bình Chánh cho biết, dừa xiêm xã Lê Minh Xuân ngọt nước nên rất được thị trường ưa chuộng.

Mỗi tháng, tổ hợp tác xuất bán trung bình 2-3 lần. Bình quân một cây dừa cho thu nhập 800.000 đồng/năm. Trồng 1ha dừa với khoảng 300 cây, sau khi trừ chi phí mỗi người có thể lời từ 200-220 triệu đồng/năm.

Khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên đều tìm được đầu ra ổn định, thương lái vào tận vườn trồng để thu mua trực tiếp.

"Không chỉ góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn, nhân công, kỹ thuật và tìm đầu ra, tổ hợp tác còn là cầu nối, phát huy tinh thần đoàn kết giữa các hộ sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế tại địa phương", ông Bạch cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem