Hiện đại hóa chăn nuôi bò sữa kết hợp phát triển chuỗi liên kết sản phẩm OCOP

Việt Dũng Thứ ba, ngày 30/04/2024 07:17 AM (GMT+7)
TP.HCM thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển 6 sản phẩm chủ lực. Trong đó đàn bò sữa đạt nhiều kết quả.
Bình luận 0

Hiện đại hóa chăn nuôi bò sữa

Sở NNPTNT cho biết, năm 2023, tổng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM là 43.001 con. Trong đó, số bò sữa cái sinh sản là 35.822 con, nuôi tại 3.042 cơ sở chăn nuôi.

Sản lượng sữa đạt 101.351 tấn, năng suất sữa bình quân 17,35 kg/con/ngày. Cả năm cung cấp cho thị trường khoảng 11.131 con giống. Quy mô chăn nuôi bò sữa năm 2023 đạt 11,8 con/hộ (tăng 0,4 con/hộ so với năm 2022).

Năm 2023, tổng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM là 43.001 con. Ảnh: Việt Dũng

Năm 2023, tổng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM là 43.001 con. Ảnh: Việt Dũng

Đối với chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn Thành phố có 39 cơ sở chăn nuôi bò (chủ yếu chăn nuôi bò sữa) với tổng đàn 4.201 con (chiếm 11,3% tổng đàn bò sữa và chiếm 5,54% tổng đàn bò).

Ngoài ra, dự án Trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel có tổng đàn bò sữa hiện nay 218 con. Trong đó, Trại thực nghiệm có 167 cái sinh sản (chiếm tỷ lệ 76.6% tổng đàn); 75 con đang vắt sữa (chiếm 44,9 % cái sinh sản); còn lại là đàn hậu bị và bê. Năng suất sữa bình quân đạt 22-24 kg/cái vắt sữa/ngày; tổng sản lượng sữa khai thác trong năm 2023 ước đạt 560 tấn.

Sở NNPTNT đánh giá, việc nhập nội các dòng tinh bò sữa chất lượng cao đã giúp cải thiện năng suất, chất lượng đàn giống và tạo con giống tốt cung cấp cho sản xuất của Thành phố và nhiều địa phương trong cả nước. Đồng thời, Thành phố lưu giữ, đánh giá và khai thác hệ thống nguồn gen vật nuôi.

Nhiều dòng tinh bò sữa nhập nội giúp cải thiện năng suất, chất lượng đàn giống vật nuôi tại Thành phố. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều dòng tinh bò sữa nhập nội giúp cải thiện năng suất, chất lượng đàn giống vật nuôi tại Thành phố. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều dòng tinh bò sữa nhập nội không chỉ giúp cải thiện năng suất, chất lượng đàn giống vật nuôi tại Thành phố mà còn tạo ra con giống có chất lượng tốt cung cấp cho các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Theo định hướng Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đến năm 2030, TP.HCM định hướng duy trì, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX chăn nuôi bò sữa theo mô hình chăn nuôi tuần hoàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Hình thành những khu vực chăn nuôi tập trung ổn định lâu dài.

Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn tinh và con giống bò sữa tốt, tăng năng suất đàn bò sữa và chất lượng sữa. Hiện đại hóa các khâu chăn nuôi, hợp lý hóa chi phí đầu vào, kết hợp phát triển chuỗi liên kết sản phẩm bò sữa nguyên liệu và các sản phẩm sữa chế biến đạt tiêu chí OCOP. Củng cố, đầu tư cải thiện con giống bò sữa, bò thịt tại Công ty TNHH MTV Bò sữa Thành phố.

Đến năm 2025, đàn bò sữa cái của Thành phố sẽ đạt 35.600 con. Ảnh: Việt Dũng

Đến năm 2025, đàn bò sữa cái của Thành phố sẽ đạt 35.600 con. Ảnh: Việt Dũng

Đến năm 2025, đàn bò sữa cái của Thành phố sẽ đạt 35.600 con. Trong đó, đàn bò cái vắt sữa đạt khoảng 24.000 con; đưa năng suất sữa bình quân lên trên 6.400 kg/bò cái vắt sữa/năm; sản lượng sữa đạt khoảng 137.000 tấn.

Đến năm 2030, đàn bò sữa cái đạt khoảng 32.600 con. Trong đó, đàn bò cái vắt sữa đạt khoảng 23.500 con; năng suất sữa bình quân đạt mức 6.500 kg/bò cái vắt sữa/năm; sản lượng sữa đạt khoảng 130.000 tấn.

Với các địa bàn nuôi, đến năm 2025, huyện Củ Chi có 30.000 con; huyện Hóc Môn có 5.000 con; huyện Bình Chánh có 500 con; Trại Trình diễn và thực nghiệm có 100 con.

Đến năm 2030, huyện Củ Chi có 30.000 con; huyện Hóc Môn có 2.000 con; huyện Bình Chánh có 500 con; Trại Trình diễn và thực nghiệm 100 con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem