Tránh phiền cho dân là việc nên làm

Thứ ba, ngày 11/02/2014 14:34 PM (GMT+7)
Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 - để lấy ý kiến người dân.
Bình luận 0
Dự thảo có quy định người vi phạm giao thông khi bị xử lý sẽ nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt, không phải đi đến kho bạc nộp tiền rồi quay lại đưa biên lại để nhận lại giấy tờ.

Có thể nói đây là quy định có sự tiến bộ, tạo ra sự thuận tiện cho người dân. Trước đây người vi phạm luật giao thông bị công an tạm giữ giấy tờ, sau khi đến kho bạc nộp tiền phạt họ mới quay trở lại để lấy giấy tờ. Quy định như trên quả là mất nhiều thời gian, gây phiền toái và bất tiện cho người dân. Tuy nhiên có không ít ý kiến cho rằng việc CSGT thu tiền phạt của người vi phạm sẽ phát sinh tiêu cực.

Bình tĩnh nhìn lại vấn đề thì sẽ thấy nếu quy định trên được áp dụng sẽ đạt được nhiều lợi hơn hại. Còn nói đến phát sinh tiêu cực thì bản chất không nằm ở chỗ CSGT được thu tiền phạt trực tiếp hay người vi phạm phải tự đi nộp vào kho bạc. Rõ ràng thời gian qua dù không được thu tiền trực tiếp của người vi phạm, lực lượng CSGT vẫn bị coi là một trong những ngành để xảy ra tham nhũng phổ biến nhất.

Việc được thu tiền nộp phạt trực tiếp và việc xảy ra tiêu cực dường như không có gì liên quan tới nhau. Bình thường, khi người vi phạm bị phạt, để tránh việc bị mất khoản tiền lớn hơn, tránh mất thời gian, thủ tục lằng nhằng, người vi phạm tìm cách dúi vào tay CSGT một khoản tiền để được cho qua lỗi. Thế nên dù quy định ở một trong 2 trường hợp thì người vi phạm vẫn tìm cách có lợi nhất cho mình.

Bản chất của việc đề ra quy định xử phạt hành chính với người vi phạm giao thông cũng là để răn đe, lần sau không tái phạm. Việc họ có đi nộp phạt hay đòi “chung chi” với CSGT vẫn đều là bị mất tiền. Dù mất tiền kiểu gì thì họ cũng là người bị thiệt hại vì hành vi vi phạm của mình, mất tiền để lần sau nhớ mà cẩn thận hơn. Ở đây đồng tiền của người vi phạm nếu được người thực thi công vụ làm đúng, có trách nhiệm thì sẽ vào ngân sách nhà nước, còn không sẽ vào túi các cá nhân.

Để tránh việc bị thất thoát, tránh tiêu cực, phải phụ thuộc vào biện pháp quản lý của Nhà nước đối với những người thực thi công vụ. Biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ ngăn chặn, hạn chế được tiêu cực, còn không thì tiêu cực vẫn cứ xảy ra. Còn như đưa ra quy định mới mà cởi bỏ được phiền toái cho người dân thì đó là điều rất nên làm.
Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem