“Trâu sắt” về buôn

Thứ năm, ngày 23/12/2010 16:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ khi có máy cày, nhiều hộ đồng bào DTTS ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hoà và Đồng Xuân (Phú Yên) vỡ đất nhanh hơn, làm ruộng lúa nước tốt hơn, ít tốn sức lao động hơn...
Bình luận 0

Những ngày này về các buôn làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, đi đâu cũng nghe tiếng máy cày giòn giã. Những chiếc máy cày được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2, hợp phần hỗ trợ công cụ sản xuất cho đồng bào DTTS.

Năng suất tăng

img

Nông dân xã Ea Bia đưa “trâu sắt” chương trình 135 vào làm đất.

Ông Trần Thanh Định - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Trước đây, đồng bào sử dụng bò hoặc sức người để cày ruộng, nương rẫy nên mất rất nhiều thời gian, việc chỉ đạo mùa vụ của huyện rất bị động. Từ khi đưa máy cày vào, khâu làm đất nhanh gọn nên việc gieo sạ cũng đồng loạt hơn, công tác chỉ đạo sản xuất của các xã miền núi rất thuận lợi. Năng suất lúa từ chỗ chỉ trên dưới 40 tạ/ha nay có thể tăng lên 55- 60 tạ/ha.

Để triển khai có hiệu quả chương trình này, cuối năm 2008, sau khi được phân bổ vốn đầu tư, tỉnh chọn huyện Sông Hinh làm thí điểm. Theo nguyện vọng của đồng bào, 26 chiếc máy cày đã được huyện đưa về hỗ trợ cho trên 300 hộ ở 6 xã khó khăn nhất của huyện. Ông Lê Ngọc Hải - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: "Khỏi phải nói bà con mừng như thế nào khi thấy những con "trâu sắt" được đưa về buôn".

Máy cày về, huyện cử cán bộ nông nghiệp đến từng nhóm hộ hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản máy. Những con "trâu sắt" được giao cho những người có đủ trình độ vận hành, bảo quản, sử dụng và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhóm hộ và cán bộ nông nghiệp phụ trách địa bàn. Nhờ vậy, hầu hết các máy móc vận hành rất tốt, phát huy hiệu quả.

Một “trâu sắt” bằng trăm bò cày

Ma Nhíp là một trong những ND đầu tiên ở xã Ea Bia được hỗ trợ máy cày tay. “Mọi năm, khi xuống giống, 2 sào ruộng lúa nước phải 2 người cuốc trong 10 ngày, đến khi cuốc xong thì thiếu nước sạ… Còn đất rẫy, với 1-2ha, trước đây bà con tốn từ 2-2,5 triệu đồng tiền thuê máy cày. Nếu dùng bò cày thì mất cả 10 ngày, nửa tháng. Còn bây giờ, có máy cày không phải tốn tiền cày, cứ cưỡi lên máy, điều khiển theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nháy mắt là xong".

Ông La Văn Tỷ- Phó Ban dân tộc tỉnh Phú Yên, cho rằng: Hiệu quả của chương trình hỗ trợ máy móc cho đồng bào DTTS ở Phú Yên là rất lớn. Thời gian tới, chúng tôi kiến nghị nhà nước tăng mức đầu tư chương trình này để tiến đến đầu tư đa mục tiêu cho mỗi thiết bị.

Một máy cày xong mùa vụ làm đất có thể sử dụng như một máy kéo để vận chuyển nông sản, hoặc trong điều kiện khô hạn, máy có thể vận hành như một máy bơm nước phục vụ tưới cho cây trồng... Làm được điều đó sẽ giúp nâng cao hiệu suất khai thác các máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước cho vùng dân tộc và giúp người dân có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Từ khi triển khai hợp phần hỗ trợ trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất chế biến, đến nay Phú Yên đã giao 78 máy cày tay, 25 rơ moóc máy cày tay, 10 máy bơm nước, 15 máy tuốt lúa, 3 máy tuốt bắp cho 1.000 hộ đồng bào DTTS, giúp bà con tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem