Thái Nguyên: Cách trồng chè của một HTX ở Tân Cương thu về 10 tỷ/năm

Bình Minh Thứ hai, ngày 06/06/2022 15:16 PM (GMT+7)
HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) được thành lập năm 2016, ngay từ khi thành lập HTX đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho các thành viên tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ.
Bình luận 0

Sản xuất chè theo hướng hữu cơ cho thu nhập 10 tỷ đồng/năm

Trò chuyện với Dân Việt, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết, Tân Cương được ưu đãi bởi khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển trồng chè hữu cơ, thành viên HTX là những người có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, chế biến chè truyền thống từ nhiều năm.

HTX được thành lập với mục tiêu đưa sản phẩm trà Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động. Chính vì vậy ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho các thành viên tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ.

Hàng năm, HTX đều cử cán bộ, thành viên đi tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, chế biến chè, tập huấn về sở hữu trí tuệ. Hướng dẫn cho các thành viên cách ghi chép, chăm sóc, chế biến theo đúng quy trình VietGAP.

Thái Nguyên: Trồng chè theo hướng hữu cơ, một HTX ở Tân Cương thu về 10 tỷ đồng/năm  - Ảnh 1.

Thành viên của HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang chăm sóc chè. Ảnh: Bình Minh

Hiện nay, diện tích chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX là 10 ha, với sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 130 tấn/năm. Ngoài ra HTX bao tiêu sản phẩm chè búp tươi của các tổ hợp tác, HTX liên kết trên địa bàn xã Tân Cương đáp ứng đầy đủ yêu cầu chè đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP vào khoảng trên 700 tấn chè búp tươi/ năm. Sản phẩm chè của HTX ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng với nhiều tỉnh thành trên cả nước. 

Theo bà Hảo, khi mới thành lập HTX có 7 thành viên, với số vốn điều lệ là 300 triệu đồng, đến nay số thành viên là 50 thành viên, với số vốn điều lệ là 3 tỷ đồng. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của HTX đều tăng qua từng năm.

Đơn cử như năm 2019, HTX có doanh thu trên 10 tỷ đồng. HTX đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, giảm nghèo, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

"Để đạt được kết quả đó là do sự cố gắng nỗ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, thành viên HTX, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các cấp các ngành", bà Hảo chia sẻ, và cho biết thêm, HTX đã chủ động xây dựng phương án đầu tư vốn, xây dựng nhà xưởng đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thái Nguyên: Trồng chè theo hướng hữu cơ, một HTX ở Tân Cương thu về 10 tỷ đồng/năm  - Ảnh 2.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) giới thiệu sản phẩm chè tôm nõn, là 1 trong 20 sản phẩm đầu tiên đang được xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Ảnh: Bình Minh

Theo đó, HTX đã đầu hơn 4 tỷ đồng cho máy sao chè bằng ga của Đài Loan; máy đóng gói hút chân không; trồng chè giống mới chất lượng cao. Đầu tư nâng cấp hai nhà xưởng nâng tổng diện tích lên trên 2.000m, dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất, các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi hay bằng điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Với dây chuyền sản xuất chè khép kín, HTX chế biến được từ 2 - 3 tấn chè búp tươi một ngày, bình quân mỗi năm HTX chế biến được khoảng từ 700 - 900 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 140 - 200 tấn chè búp khô. 

Nông dân sử dụng thuốc BVTV "4 đúng" 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, để nông dân sản xuất chè theo hướng hữu cơ, Chi cục đã hướng dẫn nông dân, HTX quản lý sử dụng thuốc BVTV đúng cách, an toàn. 

Năm 2015, toàn tỉnh Thái Nguyên có diện tích chè trên 21.000 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 17.500 ha, sản lượng trên 202.000 tấn chè búp tươi. Đến năm 2020 diện tích chè toàn tỉnh ước đạt 22.000 ha, sản lượng chè búp tươi 244.000 tấn.

Ông Nguyễn Tá, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong những năm qua, để nâng cao năng suất sản lượng chè búp tươi trong những năm gần đây, người nông dân đã chủ yếu sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, cộng với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến phá vỡ cân bằng sinh học các đối tượng sâu bệnh hại trên cây chè (Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ, bệnh phồng lá...) gây hại tăng cao.

Việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại trên cây chè, người sản xuất chè cơ bản đã thực hiện tốt những quy định về sử dụng thuốc BVTV (nguyên tắc 4 đúng) như: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc, đúng cách, tuy nhiên còn một số người sản xuất chè vẫn sử dụng thuốc chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng. 

Thái Nguyên: Trồng chè theo hướng hữu cơ, một HTX ở Tân Cương thu về 10 tỷ đồng/năm  - Ảnh 4.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, để sản xuất chè theo hướng hữu cơ, nông dân cần sử dụng thuốc BVTV "4 đúng". Ảnh: Bình Minh

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, một số nông dân còn sử dụng thuốc BVTV theo tập quán, phun định kỳ không thông qua kết quả kiểm tra dịch hại, vẫn còn tình trạng hỗn hợp nhiều loại thuốc có cùng tác dụng phòng trừ để phun trong 1 lần, do vậy đã gây lãng phí tốn kém, tăng nồng độ, dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm sau thu hoạch, làm cho sản phẩm có nguy cơ không an toàn.  

Để sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ, theo ông Tá cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến những quy định về sử dụng thuốc BVTV, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng, nâng cao nhận thức của người sản xuất, làm thay đổi tập quán sử dụng thuốc BVTV của người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây chè, áp dụng đồng bộ các giải pháp như lựa chọn giống, trồng xen, trồng cây che bóng đúng kỹ thuật, chăm sóc, bón phân, tưới nước, thu hái...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem