Từ đầm lầy đến “thung lũng Silicon” của Việt Nam

Bùi Phụ - Bạch Dương Thứ bảy, ngày 01/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), toàn dân và lãnh đạo TP.HCM cùng góp sức xây dựng nhiều công trình phát triển và nâng tầm TP.HCM lên thế mới.
Bình luận 0

Ngoài các công trình để lại sâu đậm trong lòng dân như: Hầm vượt sông Sài Gòn, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… Trong đó, một công trình không thể không nhắc đến là Khu công nghệ cao TP.HCM.

Từ một vùng ruộng và đầm lầy…

Một buổi chiều cuối tháng 4/2021, chúng tôi có dịp "lang thang" trên nhiều tuyến đường trong Khu công nghệ cao TP.HCM (Khu CNC) nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức.

Càng đi sâu, chúng tôi càng ấn tượng mạnh trước những tuyến đường bêtông nhựa rộng lớn và những công trình xây dựng có lối kiến trúc vô cùng độc đáo. Hai bên con đường huyết mạch mang tên đồng Võ Chí Công, xuyên qua Khu CNC dài hàng chục km là những hàng cây xanh rợp bóng mát. Xen lẫn vào đó là những bức tượng được các nghệ nhân tạc bằng đá trắng đậm nét mỹ thuật. Tô điểm cho sắc màu trong Khu CNC bằng những hàng cây bằng lăng đang tranh nhau khoe hoa tím, hàng cây bọ cạp khoe sắc vàng và có cả những hàng cây hoa ban được đưa từ Tây Bắc về trồng… Có thể nói, kiến trúc xây dựng và cây xanh trong Khu CNC, đã tạo thành bức tranh độc đáo "nhà trong rừng" ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn như níu chân những ai đi ngang.

Từ đầm lầy đến “thung lũng Silicon” của Việt Nam  - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất vaccine Nanocovax tại Công ty Nanogen. Ảnh: Đức Hạnh

Khu Công nghệ cao (Khu CNC TP.HCM - SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, với diện tích 913ha giá trị đầu tư lên đến 7,1 tỷ USD. Khu CNC tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM, là 1 trong 3 khu CNC quốc gia do Chính phủ thành lập. Khu CNC TP.HCM tập trung vào 4 mũi nhọn gồm: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác - Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới - Vật liệu mới - Công nghệ Nano.

Cùng nhóm bạn già đang đi bộ thể thao trong Khu CNC, bác Lê Văn Ngữ (70 tuổi) cho biết, mấy năm nay, ngày 2 buổi, nhóm bạn già của bác Ngữ đều ra đây tập thể dục và tận hưởng không khí trong lành.

"Trước đây khu này là ruộng, và đầm lầy, kênh rạch, dừa nước giống như Đồng Tháp Mười, nay đã hóa thành phố thị hiện đại. Chúng tôi không ngờ chỉ hơn chục năm xây dựng, khu này giờ đẹp chẳng khác gì trong phim ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản…" - bác Ngữ vui giọng.

Qua trò chuyện chúng tôi được biết, nhóm bạn già của bác Ngữ, trước đây ai cũng có đất trong khu quy hoạch làm Khu CNC. Hồi ấy, đất trong vùng này chủ yếu do bà con trồng lúa, chăn nuôi và nhà cửa đa số cấp 4 hoặc nhà tranh vách lá. Sau khi nhận tiền đền bù, bác Ngữ và những gia đình khác ra ngoài ranh khu quy hoạch thuộc các phường Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Trường Thạnh… mua đất cất nhà ở. Những người con của bác Ngữ và các hộ có đất quy hoạch, được các doanh nghiệp trong Khu CNC ưu tiên nhận vào làm việc nên cuộc sống hiện rất ổn định.

Đứng trên cây cầu vượt qua con rạch lớn nằm trên đường Võ Chí Công, chỉ tay vào một khu đất đang xây dựng trụ sở một công ty, bác Năm Yên nói, đây là khu đất ruộng của gia đình bác trước đây. "Tôi không ngờ đất của mình ngày xưa bây giờ lại được xây dựng đẹp thế này. Tuy nhiên, những người có đất trong vùng quy hoạch Khu CNC như chúng tôi đều ước nguyện, nếu được các cơ quan chức năng cho dựng một tấm bia đá bên đường này ghi những dòng chữ "Tri ân những người dân đã giao đất xây dựng Khu CNC" cho thế hệ sau biết thì niềm vui chúng tôi trọn vẹn hơn…" - bác Năm Yên thổ lộ!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có hàng chục nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đang làm việc trong Khu CNC. Nhằm tạo điều kiện cho anh chị em công nhân yên tâm làm việc, các cơ quan chức năng đã xây dựng những công trình phục vụ thiết yếu cho cuộc sống như: Sân bóng đá, nhà văn hóa, nhà trẻ, trường mầm non khang trang hiện đại…

Cùng với việc thành lập TP.Thủ Đức mới đây, lãnh đạo TP.HCM đã đề ra các kế hoạch và đề án để phát triển toàn diện. Nổi bật là xây dựng Đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm Tài chính và phát triển TP.Thủ Đức, trong đó điểm sáng là Khu CNC.

Sản xuất "vũ khí" chống Covid-19

gop/ Từ đầm lầy đến “thung lũng Silicon” của Việt Nam  - Ảnh 3.

Đường trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Bùi Phụ

Nổi bật trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua là lần đầu tiên, Việt Nam sản xuất được vaccine chống Covid-19 của Công ty Nanogen nằm trong Khu CNC. Ông Hồ Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Nanogen cho biết, thế giới đang sử dụng 4 công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19, gồm sử dụng virus bất hoạt, ARN, virus sống và công nghệ tái tổ hợp. Nanogen chọn công nghệ tái tổ hợp, bằng cách tạo ra gai giả giống y hệt gai trên virus SARS-CoV-2. Mỗi liều vaccine sẽ gồm nhiều gai giả, đây là công việc đòi hỏi tính khoa học, tỉ mỉ rất cao.

Hiện vaccine Nanocovax đã tiến hành tiêm mũi 2 của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Kết thúc giai đoạn 1, sức khỏe của các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax đều tốt, đảm bảo hiệu quả miễn dịch và an toàn. Với kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, có thể cuối quý III/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, Khu CNC có năng suất lao động gấp 16,6 lần cả nước và 6,6 lần của TP.HCM. Từ 5-10 năm sau nữa, TP.Thủ Đức có thể đóng góp 30% vào kinh tế thành phố, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam. Hiện lãnh đạo TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù với kỳ vọng TP.Thủ Đức trở thành khu đô thị thương mại công nghệ cao, tương tự Thung lũng Silicon của Mỹ.

Theo UBND TP.HCM, đầu năm 2021, đã trao giấy phép đầu tư cho 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Đó là, dự án của Công ty Arevo (Mỹ) xây dựng nhà máy sản xuất máy in 3D; sản xuất phần mềm (thiết kế, mô phỏng, điều khiển máy in); sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer dành cho in 3D; dịch vụ in 3D từ sợi carbon…, với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD. Và dự án thuê văn phòng của Công ty SNST&Finger Vina (Hàn Quốc), có mục tiêu hoạt động là thiết kế vi mạch điện tử tích hợp, tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD.

Công ty Arevo cho biết sẽ hoàn thành giai đoạn I trong quý IV/2022 và đưa giai đoạn II vào hoạt động 100% trong năm 2025, với công suất hơn 4.000 đơn vị sản phẩm và doanh thu hơn 12 triệu USD/năm. Cùng với đó, Công ty SNST&Finger Vina khẳng định sẽ nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động ngay trong quý I/2021.

Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu CNC, dù quỹ đất dành để thu hút đầu tư còn khá khiêm tốn, song Khu CNC vẫn đề ra mục tiêu không hề thấp trong năm nay với việc thu hút 200 triệu USD vốn đầu tư, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 25 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 700 triệu USD. Tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, các dự án thuê nhà xưởng… Trong đó chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ nhằm thu hút các dự án công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao của các tập đoàn lớn, thương hiệu toàn cầu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem