Từ vụ tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk, ĐBQH đề nghị "huy động các lực lượng đủ mạnh"

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 24/06/2023 10:38 AM (GMT+7)
Theo ĐBQH Đỗ Thị Lan, những vụ việc mất an ninh trật tự ở cơ sở có tính chất phức tạp, nguy hiểm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tính mạng của người dân như vụ tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk, cần có các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp.
Bình luận 0

Sáng 24/6, tham gia thảo luận về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, từ đó có các quy định phạm vi rõ hơn.

Theo bà Lan, lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc tham gia bảo vệ tổ quốc, tham gia phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trước tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Khẳng định lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết, tuy nhiên bà Lan cho rằng cần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong bảo vệ tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Từ vụ tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk, ĐBQH yêu cầu "huy động các lực lượng đủ mạnh"  - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn quy định của dự thảo quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự quản lý của UBND cấp xã và chịu chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ của công an xã. Theo bà Lan, công an xã sẽ khó có thể chỉ đạo có hiệu quả, do vậy cần quy định UBND cấp xã quản lý chỉ đạo hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo luật quy định trường hợp cần thiết hoặc xảy ra tình hình phức tạp về an ninh trật tự thì UBND cấp xã huy động các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, công an xã hướng dẫn chỉ huy, giải quyết kịp thời. Theo bà, quy định này chưa bao quát các trường hợp phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở và biện pháp giải quyết.

Bà Lan dẫn chứng vụ tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk và một số vụ việc mất an ninh trật tự ở một số địa phương. Những vụ việc mất an ninh trật tự ở cơ sở có tính chất phức tạp, nguy hiểm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tính mạng của người dân cần có các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp.

"Về các biện pháp bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội ngay tại cơ sở, cần huy động các lực lượng đủ mạnh cùng với sự tham gia của quần chúng nhân dân và báo cáo kịp thời với cấp trên để giải quyết", bà Lan nhấn mạnh.

Bà Lan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cấp xã quy định UBND cấp xã huy động lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời có các biện pháp để giải quyết. Công an xã chủ động chỉ huy, hướng dẫn giải quyết với những trường hợp nào cho phù hợp.

Bà cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn vào dự thảo luật các trường hợp xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, mối quan hệ trách nhiệm huy động và biện pháp giải quyết.

Về bố trí lực lượng, dự thảo luật quy định, căn cứ vào tình hình yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, UBND cấp xã hàng năm rà soát, tổng hợp về số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự cần thành lập bố trí tại thôn, tổ dân phố và số lượng tham gia để báo cáo UBND cấp huyện, UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND quyết định.

Dự thảo cũng quy định, trên cơ sở căn cứ quyết định của HĐND, công an xã sẽ báo cáo UBND xã để quyết định số lượng tối đa tổ cần bố trí để bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo bà Lan, quy định như dự thảo luật có một số bất cập. Thứ nhất, chưa có nguyên tắc, tiêu chí và căn cứ xác định số lượng của tổ bảo vệ an ninh trật tự ở một thôn, tổ dân phố và số lượng người tham gia.

Thứ hai, quy trình thủ tục hành chính quyết định tổ bảo vệ an ninh trật tự, số người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở cấp thôn, xã còn rườm rà, mất nhiều thời gian thực hiện.

Thứ ba, UBND cấp xã quyết định về số lượng tối thiểu để thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và số lượng tối đa các thành viên tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bà Lan đánh giá là không thống nhất trong toàn tỉnh và trên cả nước. Bà Lan đề xuất bổ sung quy định cụ thể hoặc giao cho cấp có thẩm quyền quy định về nguyên tắc, tiêu chí xác định số tổ bảo vệ an ninh trật tự và số lượng tối đa số tổ viên tham gia trên số hộ dân ở mỗi thôn, tổ dân phố và tính chất phức tạp về an ninh trật tự tại địa bàn đó.

Giao HĐND tỉnh quy định số lượng tổ, số tổ viên tham gia cùng với một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo luật quy định rất nhiều về chế độ chính sách cụ thể và điều kiện hoạt động, bà Lan đề nghị cần rà soát, đánh giá bảo đảm sự hài hoà, phù hợp với các lực lượng quần chúng khác tại cơ sở.

Ngoài ra, để thực hiện các quy định như dự thảo luật cần có nguồn lực ngân sách tương đối lớn, cần cơ chế tài chính cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực.

Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động về nguồn lực thực hiện chính sách một cách đầy đủ và chính xác hơn bởi theo nữ đại biểu, hiện tại báo cáo đang đánh giá chưa đầy đủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem