Lời kể hãi hùng của những lao động chui vượt biên trở về
Từ vùng biên Quảng Ninh: Lời kể nghẹn lòng của những lao động nhập cảnh chui
Nguyễn Quý
Thứ sáu, ngày 14/08/2020 07:39 AM (GMT+7)
Dù đã trở về với gia đình, bắt đầu ổn định cuộc sống, nhưng khi kể về quãng thời gian lặn lội từ Trung Quốc trở về do mưu sinh, nhiều người vẫn chưa hết nghẹn lòng mỗi khi nhớ lại.
Vào những ngày đầu tháng 8, tại khu cách ly tập trung thuộc Công ty Center Way (TP.Móng Cái, Quảng Ninh) có hơn 300 người đang thực hiện cách ly tập trung, trong đó chỉ có 68 công nhân, chuyên gia người Trung Quốc làm việc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và một số ít nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Còn lại gần 200 người nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở dọc biên giới đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, bàn giao.
Mỗi người đều có lý do cho hành vi nhập cảnh trái phép, nhưng phần lớn do cuộc sống mưu sinh. Không công ăn, việc làm, dẫn đến xuất cảnh, lao động trái phép rồi bị lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền, lao động công ích… và bị đẩy, đuổi về Việt Nam.
Chị Lừu Thị Đ (SN 1994), dân tộc Mông, trú tại xã Mằn Thỉnh, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, là một trong số 29 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ vào ngày 13/7, cho biết: Từ đầu năm nay, do dịch Covid-19, cả gia đình tôi không có việc làm. Bố mẹ hàng ngày chỉ đi làm nương, rẫy, không đủ tiền trang trải cuộc sống.
"Ngay sau khi ăn tết xong, tôi đã nhiều lần xuống TP.Lào Cai và một số huyện khác để tìm việc làm, nhưng không ai thuê. Đến đầu tháng 3, nghe theo một số người quen giới thiệu, tôi đã vay mượn được hơn chục triệu đồng trả cho người dẫn qua biên giới tỉnh Hà Giang để sang Trung Quốc làm thuê", chị Đ kể.
Ở Trung Quốc làm việc tại một xưởng mộc được một thời gian ngắn, chị Đ bị Công an Trung Quốc bắt, tịch thu toàn bộ tiền, giam giữ tại trại giam 2 tháng và phải lao động công ích. Ngày 13/7, sau khi Công an Trung Quốc đuổi về Việt Nam qua sông biên giới, chị cùng với hơn 20 người khác đã được bộ đội biên phòng đưa về đây và bố trí nơi ăn ở để thực hiện cách ly, phòng chống dịch Covid-19.
"Biết là vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép là vi phạm pháp luật, vì vậy sau khi thực hiện cách ly, tôi sẽ về nhà tìm công việc, lao động để ổn định cuộc sống", chị Đ tâm sự với phóng viên.
Không may mắn như chị Đ, anh Giàng A T (SN 1979), trú tại xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, sang lao động chui tại một xưởng sản xuất bóng đèn tại Trung Quốc từ giữa năm 2019.
Đến cuối năm, anh T bị Công an Trung Quốc bắt giữ, giam hơn 5 tháng tại trại giam Quây Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc. Nhớ lại những ngày bị giam, lao động công ích tại đây, anh T khẳng định: "Sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc đi lao động trái phép nữa, cho vàng cũng không dám làm lại".
Một gia đình 4 người cũng đã may mắn khi được trở về Việt Nam và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Quảng Đức đưa vào cách ly tập trung ngày 26/6. Đó là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Hải Đ (SN 1965), trú tại xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Trước đó, ngày 26/6, tại khu vực mốc 1342(2)+200, bờ sông biên giới, thuộc bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện 4 người (2 người lớn, 2 trẻ em) đang lội qua sông biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam, tổ tuần tra đã yêu cầu nhóm người trên dừng lại để kiểm tra. 4 người này là một gia đình, do không thể sống cuộc sống chui lủi tại Trung Quốc nên đã tìm cách vượt sông biên giới về Việt Nam.
Anh Đ kể, do không có việc làm và qua giới thiệu của người quen, nên tháng 11/2019, cả gia đình tôi đã làm giấy thông hành xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái sang Đông Hưng, Trung Quốc làm thuê.
Trong thời gian ở Đông Hưng, do tình hình dịch Covid-19, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc tập trung phòng, chống hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, trục xuất những người lao động trái phép, nên nhiều tháng trời, gia đình anh phải sống chui lủi.
Ngày 26/6, gia đình bắt xe ôm từ TP Đông Hưng đến gần cửa khẩu Lý Hỏa, Trung Quốc để lội sông về Việt Nam. Đến khu vực mốc 1342 thì bị Biên phòng Việt Nam bắt giữ.
Chuyến đi khiếp sợ
Chúng tôi gặp V, người đàn ông già hơn nhiều so với cái tuổi 46, khuôn mặt khắc khổ, sạm đen, đang cặm cụi với cánh thợ hồ để sửa lại căn nhà ở xã Liên Vị, TX.Quảng Yên (Quảng Ninh). Anh là người may mắn trở về quê nhà sau 2 năm lao động chui lủi ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
"Đầu năm 2018, tôi cùng vợ liên hệ với một người ở Hải Phòng để được sang Trung Quốc lao động. Chuyến đi trót lọt, mỗi người phải nộp lệ phí là 5 triệu đồng. Thu nhập ở một xưởng in hoa quần áo cũng khá ổn định, khoảng 3.000 đến 5.000NDT (10 triệu đến 16 triệu đồng/tháng). Vì là lao động chui nên chúng tôi ít ra ngoài, chỗ ăn ở lại được chủ xưởng chu cấp, nên phần lớn số tiền đó chúng tôi dành dụm được để gửi về quê cho gia đình".
Nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc) bùng phát đầu năm 2020, tâm trạng lo âu, bao trùm lên tất cả những lao động Việt Nam đang sống chui lủi ở Trung Quốc. Cảnh sát lùng sục khắp nơi, cùng với tâm lý lo sợ dịch bệnh lây lan, nên ai cũng muốn về nước.
Cuối tháng 2/2020, anh V móc nối với đường dây của 1 người Việt Nam, thỏa thuận giá 14 triệu đồng cho 2 vợ chồng anh về nước. Chuyến đi 4 ngày 3 đêm xuất phát từ xưởng may bên Trung Quốc, về tới quê hương Liên Vị (Quảng Yên), đến hôm nay nhớ lại, anh V. vẫn còn nguyên nỗi hãi hùng.
"Một ngày đầu tháng 3, chiếc xe 45 chỗ đón vợ chồng tôi cùng một số người khác ở vòng xuyến Liễu Châu. 1 ngày 1 đêm trên chiếc xe khá rộng rãi, khiến chúng tôi mừng thầm trong bụng, chắc mẩm chuyến này được đi về nhàn hạ. Nhưng chiếc xe ngày càng đi vào chỗ tăm tối mịt mùng, xung quanh toàn núi đồi, rừng rậm.
Sang ngày hôm sau, chúng tôi được chuyển sang 1 chiếc xe 12 chỗ, họ nói là phải chia đoàn để tránh công an. Sang đến xe này thì không còn nhìn thấy đường gì nữa. 16 người chen chúc, cùng đồ đạc, nhưng vẫn còn thở được. Đến khi chuyển sang xe 5 chỗ, tức là vào đường rừng nhỏ hẹp hơn, thì cơn khiếp sợ mới bắt đầu. Họ nhồi 11 người vào cái xe nhỏ này, cùng với đồ đạc nữa. Ai nấy đều cố ngóc được đầu mình lên để thở, chân tay thì như bị cùm chặt, rã rời. Lúc xuống đi bộ, chúng tôi tưởng bị què hết chân rồi, phải nằm lại trong rừng gần nửa ngày mới đi được".
Thế rồi, vợ chồng anh V cùng đoàn người lao động vượt biên trái phép cũng đến được ngọn núi giáp ranh giữa huyện Nà Pò (Quảng Tây, Trung Quốc) và tỉnh Cao Bằng. Từ đây, đoàn người đi bộ xuống thung lũng, tiếp tục được một đầu mối khác dẫn đường. Nhưng vừa đặt chân đến biên giới Việt Nam, vợ chồng anh V cùng nhóm người vượt biên trái phép liền bị Bộ độ biên phòng Cao Bằng bắt giữ, đưa về khu cách ly tập trung.
Thời gian gần đây, lực lượng Biên phòng trên các tuyến biên giới đã bắt giữ hàng nghìn đối tượng nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở. Ngoài các đối tượng người Trung Quốc, cũng có một số người Việt Nam đi lao động trái phép, hoặc lấy chồng bên Trung Quốc nay bị đẩy, đuổi về Việt Nam.
Không có con số thống kê cụ thể hiện còn bao nhiêu lao động “chui” người Việt đang kẹt lại bên Trung Quốc, nhưng theo những người trở về, họ cho biết còn nhiều bạn bè, người thân của họ muốn trở về Việt Nam, nhưng chưa biết về bằng cách nào.
Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19 Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Link tải Bluezone trên Android/Link tải Bluezone trên iOS Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.