Cụ thể, trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit test của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã đưa hối lộ và chi tiền "cảm ơn" cho cựu Chủ tịch Hà Nội 200.000 USD, cựu Bộ trưởng Y tế 2,25 triệu USD, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 50.000 USD… cùng nhiều cá nhân khác, tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng. Trong khi trước đó, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, số tiền được Phan Quốc Việt dùng để "bôi trơn" trong vụ án khoảng 800 tỷ đồng.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, sau khi khởi tố vụ án, các bị can có liên quan khai Công ty Việt Á có doanh thu lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt chi khoảng 20-25% số tiền này, tức khoảng 800 tỷ đồng để chi % ngoài hợp đồng.
Sau khi kết luận điều tra, có những con số chênh lệch so với con số được thông tin ban đầu, bởi "không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra, cần coi trọng chứng hơn coi trọng lời khai".
Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, chỉ khi nào đủ căn cứ chứng minh Phan Quốc Việt đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới có thể khởi tố điều tra, kết luận và đề nghị truy tố. Ông cũng nhấn mạnh "chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó".
"Ngoài C03, Bộ Công an đã phân công điều tra cho công an 63 tỉnh thành điều tra vụ Việt Á. Hiện nay, một số tỉnh vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ số tiền bất chính, "bôi trơn" trong vụ án", Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Giải thích vì sao cùng một hành vi nhận tiền nhưng các bị can bị đề nghị truy tố các tội danh khác nhau, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, phương thức, cách thức và hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ án Việt Á rất khác nhau.
Có những bị can nêu yêu cầu, thỏa thuận về tiền "bôi trơn", sau đó mới xử lý công việc. Tuy nhiên, cũng có bị can không nêu yêu cầu, thỏa thuận nào, họ nhận quà sau khi công việc đã hoàn thành. Chính vì hành vi, động cơ khác nhau trong việc nhận tiền sẽ dẫn đến việc các bị can bị xử lý khác nhau.
"Trong kết luận điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố 38 bị can. Để đi đến đề nghị truy tố nêu trên, Bộ Công an đã tiến hành một cách khoa học, cẩn trọng, khách quan, toàn diện trên đúng cơ sở pháp luật, quán triệt chủ trương nhân văn, nhân ái nhưng rất nghiêm khắc mà Ban chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo", tướng Xô nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ án Việt Á, vừa qua Cục CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời đề nghị VKSND Tối cao truy tố 38 bị can liên quan đến vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Trong đó, C03 đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về tội "Nhận hối lộ". Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cùng bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Vụ án Việt Á được coi là điển hình về "tham nhũng có hệ thống" do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương; thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào của kit test Covid-19. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Chiều 16/8, tại buổi thông tin kết quả phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết vụ Việt Á nằm trong kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2023.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa ra 8 yêu cầu cụ thể. Đồng thời, cả 8 yêu cầu được các cơ quan liên quan làm rõ. Hiện đã khởi tố 33 vụ án, trên 111 bị can với 6 tội danh.
Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra được, phấn đấu đến cuối năm kết thúc, điều tra, truy tố xét xử cả chùm án Việt Á này. Trong 33 vụ, có những vụ địa phương đã thụ lý giải quyết, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử.
Theo ông Yên, Ban Chỉ đạo đã có chủ trương, chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng trong vụ án Việt Á. Trong đó thống nhất chỉ nghiêm trị người có chức vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Công ty Việt Á.
Thứ nữa là người chủ mưu, cầm đầu, người vì động cơ vụ lợi, chiếm số tiền lớn cũng sẽ bị nghiêm trị, hết khung, hết khoản. Nhóm này liên quan đến tham nhũng tiêu cực, tội rất nặng và đến nay đã được làm rõ.
Còn nhóm 2, 3, 4 phân hóa ra, có chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhóm này là nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, vi phạm chủ yếu trong hoạt động đấu thầu.
"Với chùm án Việt Á, sẽ phân loại và có tiêu chí xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương hướng dẫn. Đặc biệt, được xem xét để tha hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự", Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.