Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tỷ giá trung tâm đã có phiên tăng phiên thứ ba liên tiếp trong tuần, chốt tuần tại mức 23.283 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 23.982 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.585 VND/USD.
So với mức 23.253 VND/USD ghi nhận vào phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm đã tăng 30 đồng/USD. Còn nếu so với mức giá niêm yết thấp nhất trong tuần là 23.244 VND/USD ghi nhận vào ngày thứ 3 (13/9), tỷ giá trung tâm đã tăng 39 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá cũng vọt tăng mạnh trong các phiên giao dịch cuối tuần. So với đầu năm, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng xấp xỉ 4%.
Chẳng hạn như trong phiên ngày thứ 6 (16/9), giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt được điều chỉnh tăng mạnh từ 20 đến 60 đồng, chạm ngưỡng kỷ lục 23.900 VND/USD.
Cụ thể, Vietcombank tăng 45 đồng trong khi BIDV tăng 70 đồng ở mỗi chiều, đang niêm yết USD ở mức lần lượt 23.485 - 23.795 VND/USD và 23.530 - 23.810 VND/USD. So với đầu năm, giá bán ra USD tại Vietcombank đã tăng 875 đồng, tương ứng tăng 3,7% so với đầu năm.
Thậm chí, tại VietinBank giá mua vào/bán ra USD đã vọt lên tới 23.450 VND/USD và 23.890 VND/USD, tăng 30 đồng/USD và tăng 150 đồng/USD so với cuối tuần trước. So với đầu năm, giá USD tại VietinBank đã tăng 3,8%.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trên 3% so với cùng kỳ, lên mức 23.620 VND/USD - mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Ngược lại, tại thị trường tự do, giá USD bán ra dù có điều chỉnh giảm so với phiên cuối tuần trước khoảng 100 đồng/USD, song giá niêm yết hiện vẫn duy trì trên 24.000 VND/USD, trong khi giá mua vào là 23.980 VND/USD.
Các nhà phân tích cho rằng, việc đồng USD tăng mạnh gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 8/9/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 4% so với USD, bao gồm Peso Philippines (-11,4% so với USD), Baht Thái Lan (-9,9% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-9,5% so với USD), Ringgit Malaysia (-8,1% so với USD) và Rupiah Indonesia (-4,5% so với USD).
Trên thực tế, để ổn định tỷ giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp vào thị trường và bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước.
Trong trường hợp xấu hơn, các nhà phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.
Nêu quan điểm về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo chắc chắn ngày 21/9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá.
"Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá", ông Phước nói và nhấn mạnh, việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cùng với ổn định tỷ giá ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cũng đưa ra cảnh báo "phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái, khả năng VND còn tiếp tục mất giá rất đáng kể".
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, câu chuyện đặt ra là thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không và nếu không tăng thì đồng nghĩa phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái. Đồng thời cũng lưu ý, Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhận định, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất, song bộ phân nghiên cứu tại Chứng khoán VNDirect vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá.
Đó là, dòng vốn FDI mạnh hơn, tăng thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
Do đó, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ duy trì trong khoảng 23.300-23.500 vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng không quá 3% so với cuối năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.