Vẫn rầm rộ bán điều non

NGUYỄN HỮU Thứ ba, ngày 09/12/2014 08:55 AM (GMT+7)
Thời điểm này người trồng điều Bình Phước đang tích cực chăm sóc vườn để chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới, tuy nhiên cũng có không ít người bỏ bê và chuyển sang bán điều non (bán bông). Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. 
Bình luận 0

Bỏ bê mùa màng

Biết chúng tôi đang tìm hiểu về tình trạng bán điều non trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), anh Thạch Thanh - người dân tộc Khmer, ngụ thị xã Đồng Xoài, cho biết mùa này nông dân bán điều non nhiều lắm, và có nhiều người tìm mua điều non để kịp chăm sóc cho vụ mùa mới. Tại khu vực gần rẫy nhà anh có một số hộ dân bỏ bê vườn điều, không bón phân, xịt thuốc mà bán điều non để lấy tiền tiêu dùng. Theo anh Thanh thường 1ha điều non bán chỉ có giá từ 20 -35 triệu đồng cho một mùa thu hoạch tùy theo loại đất, trong khi nếu chịu khó chăm sóc thì người dân cũng có thể thu được 50 triệu đồng/ha/mùa.

img
Thời điểm này nhiều nông dân tại Bình Phước đang tích cực chăm sóc vườn điều, nhưng cũng có không ít người bỏ bê vườn và chuyển sang bán điều non.   
Nhờ người quen giới thiệu, tôi biết anh Hoàng Văn Giang (ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) người vừa mua 3ha điều non. Anh Giang cho biết đã mua với giá 100 triệu đồng, thu hoạch trong vòng 1 mùa: “Mình mua giá này là rẻ rồi, nhiều người mua còn mắc hơn”. Theo anh Giang, khu vực anh ở có nhiều người bán điều non, khi mua chỉ cần đặt cọc trước một khoản tiền, đến vụ thu hoạch xong mới trả hết cho chủ vườn, lời ăn lỗ chịu

Anh Nguyễn Văn Phú (ngụ xã Tân Hưng, Đồng Phú) cũng cho biết, anh may mắn mua được đám điều non hơn 2ha chỉ 70 triệu đồng, thu hoạch trong 2 năm. Năm nay là năm cuối anh thu hoạch, ở vụ trước nhờ chịu khó đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu nên anh đã thu hồi được vốn. Hiện anh đang tích cực bón phân, xịt thuốc để chuẩn bị cho mùa thu hoạch sắp tới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng bán điều non phổ biến tại nhiều khu vực của Bình Phước, nhất là những nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Đa phần những trường hợp bán điều non là do thiếu vốn sản xuất, cần tiền để giải quyết các công việc gia đình, hoặc khó khăn trong mùa giáp hạt... Cũng có không ít trường hợp do chán cảnh mất mùa, giá cả không ổn định của cây điều nên bỏ bê vườn tược, thà chịu bán điều non để nhận một khoản tiền nhỏ còn hơn là bỏ công ra chăm sóc vườn điều. Nhiều trường hợp sau khi bán điều non, đến mùa thu hoạch điều thì lại phải đi lượm điều thuê.

Khó ngăn chặn

Tình trạng bán điều non không phải mới xảy ra tại Bình Phước - nơi được xem là thủ phủ cây điều của Việt Nam. Những năm qua, do giá cả hạt điều bấp bênh, cùng với mùa màng thất bát do thời tiết nên tình trạng này diễn ra càng phổ biến hơn. Nắm được thực tế này, năm 2010 UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường biện pháp quản lý, yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất đai trong đồng bào DTTS. Nhưng đến nay tình trạng bán điều non không những không giảm mà còn có diễn biến phức tạp hơn.

Mới đây tại buổi sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 14 của tỉnh, Ban dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, tình hình bán điều non vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã có 668 hộ bán điều non với diện tích hơn 1.000ha để lấy 11,8 tỷ đồng. Các huyện xảy ra tình trạng bán điều non nhiều nhất là Bù Đăng, Bù Gia Mập, khu vực có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.

Một cán bộ Ban dân tộc Bình Phước cho biết, nhiều hộ dân sau khi bán điều non thậm chí còn bán đất sản xuất, cuộc sống vốn nghèo lại càng nghèo hơn. Theo ông, rất khó ngăn chặn tình trạng này. Hầu hết các hộ bán điều non đều không có giấy tờ, chỉ thỏa thuận bằng miệng nên dù biết có trường hợp gạ gẫm người dân bán điều non thì cũng không có biện pháp chế tài được. Hiện nay, biện pháp chủ yếu của cơ quan chức năng vẫn là tuyên truyền cho nông dân hiểu để không bán điều non.

Để ngăn chặn tình trạng bán điều non, mới đây Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Huy Phong đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan quyết liệt ngăn chặn tình trạng bán điều non, nhất là đối với những hộ đồng bào DTTS. Công an tỉnh và các cơ quan chuyên môn phải phối hợp các huyện, thị có các biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo, ép bưộc người dân bán điều non.

 Hầu hết các hộ bán điều non đều không có giấy tờ, chỉ thỏa thuận bằng miệng nên dù biết có trường hợp gạ gẫm người dân bán điều non thì cũng không có biện pháp chế tài được. Hiện nay, biện pháp chủ yếu của cơ quan chức năng vẫn là tuyên truyền cho nông dân hiểu  để không bán điều non. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem