Vì sao dự án hồ chứa Krông Pách Thượng “đội” vốn 2.700 tỷ đồng?

Ngọc Lê Thứ ba, ngày 17/07/2018 12:53 PM (GMT+7)
Được triển khai từ năm 2009, dự án hồ chứa Pách nước Krông Thượng nằm trên địa bàn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) sau 9 năm xây dựng vẫn chưa hoàn thành phần đập chính. Không những thế, dự án này còn bị “đội” vốn từ 2.993 tỷ đồng lên tới 5.702 tỷ đồng, tăng 2.708 tỷ đồng. Vì sao dự án lại có sự điều chỉnh vốn lớn như vậy?.
Bình luận 0

Rắc rối vì Bộ và tỉnh cùng được phân bổ thẳng nguồn vốn

Dự án hồ chứa Pách nước Krông Thượng là công trình đặc biệt quan trọng đã được Bộ NNPTNT phê duyệt đầu tư vào năm 2009 và giao Ban Quản lý đầu và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8) làm chủ đầu tư.

img

Đến nay, một phần công trình của dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng đã được hoàn thành.

Đây là dự án có mục tiêu cấp nước sản xuất nông nghiệp cho 14.900ha và cấp nước sinh hoạt cho 73.000 dân. Đồng thời, cắt giảm lũ, phòng chống lũ cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản…

Dự án này được gồm 2 công trình: Hồ chứa nước Krông Pách Thượng là công trình chính và công trình Hồ chứa nước Ea Rớt phục vụ di dân tái định cư. Trong đó, hồ chứa nước hồ chứa Pách nước Krông Thượng tưới cho 12.750ha, dung tích chứa nước 123 triệu m3; còn hồ chứa nước Ea Rớt tưới cho 2.150ha.

Dự án được chia thành hai hợp phần: Trong đó, Ban 8 làm chủ đầu tư công trình đầu mối và Hệ thống kênh từ kênh chính đến kênh cấp dưới có diện tích tưới từ lớn hơn 150ha; khảo sát, thiết kế và các hạng mục khác liên quan của dự án.

Còn UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hệ thống kênh có diện tích tưới dưới 150ha.

Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là trên 2.993 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giao Bộ NNPTNT quản lý là 2.482 tỷ đồng để xây dựng công trình đầu mối Krông Pách Thượng, đầu mối Ea Rớt, kênh chính… Còn vốn TPCP giao trực tiếp cho UBND tỉnh Đắk Lắk quản lý là 512 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng toàn dự án và xây dựng các kênh cấp 1 trở xuống.

img

Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục chính vẫn còn dở dang do chưa có nguồn vốn đền bù tái định cư/.

Rắc rối trong việc triển khai dự án chính là ở đây. Trao đổi trực tiếp với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Thắng- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Dự án có 2 hợp phần, đó là xây dựng và đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, hợp phần kênh mương nhỏ hơn 150ha thì phân cho tỉnh Đắk Lắk làm tiểu dự án đó và tổ chức thực hiện, vốn cũng không cân đối qua Bộ NNPTNT, mà rót thẳng về tỉnh. Đây là một trong 7 tỉnh thực hiện theo cơ chế này”.

Theo ông Thắng, có 2 loại dự án, có dự án tỉnh vẫn làm chủ đầu tư và thực hiện hết việc đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng vốn phải qua Bộ NNPTNT. Hàng năm, Bộ đều xây dựng vốn cho dự án năm sau, đều bố trí nguồn này. Tuy nhiên, đối với dự án Krông Pách Thượng và dự án ở 6 tỉnh nữa thì khác, hàng năm Bộ chỉ có văn bản hàng năm gửi UBND các tỉnh lưu ý bố trí vốn cho hợp phần này (GPMB)”.

Cũng theo ông Thắng, chính vì phân ra như vậy, nên phía tỉnh sẽ xây dựng dự toán kinh phí bồi thưởng GPMB riêng và gộp với phần xây lắp do Bộ NNPTNT, thì ra tổng mức đầu tư của dự án.

Vì sao đội vốn khủng lên tới trên 2.700 tỷ đồng?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư cập nhật, điều chỉnh của dự án hiện nay lên khoảng 5.702 tỷ đồng, tức tăng tới 2.708 tỷ đồng. Lý do được Bộ NNPTNT nêu ra, đó là do chế do chế độ chính sách xây dựng cơ bản tăng 801 tỷ đồng và bồi thường, hỗ trợ GPMB tăng 1.907 tỷ đồng.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Ban đầu khi dự án được duyệt (năm 2009), tỉnh Đắk Lắk) xây dựng vốn GPMB lấy theo chế độ đền bù năm 2004. Tuy nhiên, đến năm 2010, chính sách này có thay đổi theo hướng có lợi cho người dân và lúc đó ở tỉnh duyệt lên hơn 900 tỷ. Đến khi triển khai dự án, lại thực hiện theo chế độ đền bù năm 2014 và đến 2015 mới thực hiện, nên nguồn vốn lại thay đổi. Như vậy riêng, phần đền bù GPMB đã trải qua 3 lần điều chỉnh chế độ.

“Với hàng loạt nguyên nhân trên, dẫn đến vốn đền bù GPMB tăng cao và đến khi xây dựng kế hoạch vốn trung hạn (2016-2020), Bộ cũng đã cân đối đầy đủ phần của Bộ quản lý, còn địa phương thì không cân đối được nguồn vốn trung hạn cho giai đoạn này. Cho nên, dự án này thiếu hẳn phần vốn đền bù tái định cư”- ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, do đây là vùng di dân tự do, nên số hộ cần di dời cũng tăng thêm 189 hộ, từ 532 lên 721 hộ.

img

Dự án đã phải điều chỉnh vốn tăng thêm tới 2.708 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu.

Một nguyên nhân làm dự án phải điều chỉnh tăng vốn nữa, theo báo cáo của Bộ NNPTNT là do công trình phải điều chỉnh giãn, hoãn tiến độ theo Nghị quyết của Chính phủ. Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Tố Nghị- quyền Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) lý giải: “Lúc đó, phải giãn tiến độ, vì trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cùng một lúc có 3 dự án được triển khai, nên dự án Krông Pách Thượng phải hoãn, giãn lại, để dồn tiền hoàn thành 2 công trình kia. Hiện nay, hệ thống kia đã vận hành và sử dụng, thì mới tính đến dự án này”.

“Riêng hợp phần xây lắp, Bộ NNPTNT vẫn không đề nghị tăng thêm mặc dù dự án đã được duyệt từ năm 2009. Bộ cam kết vẫn cân đối trong nguồn vốn 1.305 tỷ đồng đã được duyệt còn lại của giai đoạn 2”- ông Nghị cho biết thêm.

Vốn đã được bố trí, chờ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chính vì các vướng mắc trên, nên đến nay dù Bộ NNPTNT đã có sẵn tiền trong tay để thực hiện hợp phần xây lắp nhưng lại không triển khai được, vì chưa có mặt bằng. Ngược lại, tỉnh Đắk Lắk muốn giải phóng mặt bằng nhưng lại… thiếu tiền.

Để giải quyết vướng mắc trên, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ NNPTNT đã nêu ra một số đề xuất, kiến nghị về điều chỉnh dự án. Trong đó, Bộ NNPTNT đề xuất điều chỉnh dự án (đến năm 2020) theo hướng: Phần xây lắp vẫn thực hiện trong phạm vi 1.305 tỷ đồng đã được bố trí. Phần đề bù bổ sung thêm vốn để thực hiện tương ứng với 1.305 tỷ đồng, số vốn cần bổ sung là 1.432 tỷ đồng. Sau năm 2020, lập và phê duyệt thành dự án riêng với hệ thống kênh còn lại nếu có điều kiện về nguồn vốn.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4.421 tỷ đồng, trong đó hợp phần xây dựng 2.482 tỷ đồng, hợp phần đền bù GPMB là 1.939 tỷ đồng, tăng 1.427 tỷ đồng.

img

Phối cảnh đập chính dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Để giải quyết vấn đề này, Bộ NNPTNT đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung 1.432 tỷ đồng từ nguồn dự phòng TPCP giai đoạn 2017-2020 do Bộ  NNPTNT quản lý để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư của dự án Krông Pách Thượng

 “Nguồn vốn này đã được phân bổ rồi và để cấp vốn cho dự án Krông Pách Thượng. Có thể thấy, trong điều kiện rất khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng bố trí 1.400 tỷ đồng để chi cho phần đền bù GPMB của dự án Krông Pách Thượng”- ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết: “Về nguyên tắc, việc chi nguồn vốn này thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Song Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ KHĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về thẩm quyền của Thủ tướng. Tôi được biết, trong cuộc họp tháng 7 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về thẩm quyền đó”.

Theo ông Thắng, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thẩm quyền của Thủ tướng, thì Thủ tướng sẽ quyết định về việc bổ sung nguồn vốn cho dự an này. Vấn đề này đã được các Bộ cho ý kiến và đồng ý rồi, nguồn vốn cũng đã được phân bổ rồi.

Không phải dự án dở dang

Trước một số ý kiến cho rằng, dự án Krông Pách Thượng nằm trong diện dở dang, ông Hoàng Văn Thắng- Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định: "Đối với dự án này, chúng tôi cũng phải nói rõ là không phải dở dang gì cả. Giai đoạn 1 đã làm xong công trình Ea Rớt, gồm cụm công trình đầu mối và hệ thống kênh đến mặt ruộng, tưới cho 2.100ha. Bước sang giai đoạn 2, chúng tôi mới triển khai làm đập lớn, nhưng lại đang vướng vào khâu GPMB, nên chưa làm được".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem