Vì sao khách chấp nhận bỏ cọc, tháo chạy khỏi lô đất trúng đấu giá?
Vì sao khách chấp nhận bỏ cọc, tháo chạy khỏi lô đất trúng đấu giá?
Thứ hai, ngày 03/05/2021 16:32 PM (GMT+7)
Sau đấu giá, nhiều "cò đất" không tìm được khách để bán lại lô đất mà mình đã trúng đấu giá, nên đành chấp nhận mất trắng tiền cọc... mà nguyên nhân chỉ vì giá đất đã bị cò thổi lên cao ngất ngưỡng.
Ngày 24/4, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Bắc Giang) phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên tổ chức đấu giá quyền sử dụng 35 lô đất ở tại xã Hương Mai (Việt Yên).
Trong số 35 lô đất được đưa ra đấu giácó 22 lô thuộc khu dân cư thôn Mai Hạ, còn lại thuộc khu dân cư thôn Xuân Lạn (cùng xã Hương Mai).
Đây là hai khu dân cư được xây dựng bám trục đường thôn, đường liên xã với tổng diện tích gần 4,5 nghìn m2, các lô có diện tích từ 100 đến 246,5 m2.
Kết quả, 100% lô đất trúng đấu giá với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng, tăng 20,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô có giá trị trúng cao nhất hơn 2,5 tỷ đồng với diện tích 216 m2 tại khu dân cư Xuân Lạn, vượt so với giá khởi điểm 805 triệu đồng.
Trước đó, ngày 4/4/2021, tại thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), Công ty Đấu giá hợp danh Thành Phát tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở với 87 lô đất, diện tích 7.843,5 m2, tại khu dân cư Đông Ngàn, thị trấn Thắng. Phiên đấu giá đã thu hút gần 450 người tham gia.
Giá trị khởi điểm của các lô đất từ 642,8 triệu đến hơn 1,54 tỷ đồng/lô với tổng số tiền khởi điểm hơn 68,42 tỷ đồng.
Kết quả có 449 hồ sơ với 1273 phiếu đăng ký. Toàn bộ các thửa đất đều có khách hàng trúng đấu giá với tổng số tiền hơn 127,46 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 59 tỷ đồng.
Diện tích các lô đất được đưa ra đấu giá từ 80 m2 đến 129 m2. Lô có giá trị trúng cao nhất là 1,85 tỷ đồng với diện tích 99 m2, cao hơn so với giá khởi điểm hơn 1 tỷ đồng.
Ngày 21/3, Công ty Đấu giá hợp danh Thành Phát cũng tổ chức đấu giá 33 lô đất thuộc khu dân cư ở các xã: Mai Trung, Hoàng Lương, Đoan Bái và thị trấn Thắng với tổng số tiền hơn 62,8 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 21,5 tỷ đồng. Lô đất trúng giá cao nhất là 4,3 tỷ đồng, cao hơn so với giá khởi điểm 1,6 tỷ đồng.
Để dự phiên đấu giá đất, người tham gia phải mua hồ sơ với giá 500 nghìn đồng và đặt cọc 120 triệu đồng/lô.
Ngày 23/1, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cùng cơ quan chuyên môn tổ chức một phiên đấu giá đất tại khu đất ở và kinh doanh dịch vụ thuộc xã Nội Hoàng với diện tích gần 3.560 m2.
Khu đấu giá đất này có 45 lô với tổng giá khởi điểm là 91 tỷ đồng, với diện tích lô thấp nhất 72 m2, cao nhất 100 m2.
Kết quả phiên đấu giá thể hiện, toàn bộ 45 lô đều có khách hàng đấu trúng với tổng giá trị 158 tỷ đồng, chênh lệch 67 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô thấp nhất trúng với giá 3,2 tỷ đồng, cao nhất là 5,4 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thuần - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp Yên Dũng (Bắc Giang), tại các buổi đấu giá từng diễn ra ở địa phương này thì không có người dân địa phương nào trúng đấu giá đất ở và kinh doanh dịch vụ thuộc xã Nội Hoàng (Yên Dũng, Bắc Giang). Những người trúng toàn hầu hết kinh doanh bất động sản.
"Họ bắt tay nhau thổi giá đất lên cao ngất ngưởng. Và tới khi dân bất động sản này rút ra, bán lại cho người khác, thì giá đất sẽ tụt thê thảm", ông Nguyễn Văn Thuần nói.
Nói về thực trạng "cò đất" thổi giá mạnh ngay sau phiên đấu giá, ông Thuần chia sẻ, theo đúng quy định của pháp luật, 2 – 3 ngày trước phiên đấu giá, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu phải nộp cọc số tiền tương đương 10% trên giá tổng khởi điểm mỗi lô đất. Sau 30 ngày công bố kết quả trúng đấu giá, khách hàng phải nộp đủ tiền.
Tuy nhiên, 30 ngày nhiều khi là quá ngắn, nhiều "cò đất" không tìm được khách để bán lại lô đất mà mình đã trúng đấu giá, nên đành chấp nhận mất trắng tiền cọc. Thời gian qua, mình ghi nhận có tới 6 trường hợp "cò đất" chấp nhận bỏ cọc do không đẩy được giá bán cao hơn so với giá trong buổi đấu giá đất.
Và đây là nguyên nhân khi "cò đất" tụ về khu đất đấu giá rất đông, hoạt động rầm rộ, tập trung "thổi" giá đất lên cao nhất có thể.
Theo ông Thuần, nhiều đội cò diễn việc mua bán đất như thật. Dân thường không tinh ý, tưởng đất đắt và nhiều người mua, nên đổ xô mua theo để đầu cơ. Nhưng bản chất ở chỗ, đất đấu giá qua tay cò, tới được người có nhu cầu thật thì "cò đất" đã lời vài giá, lãi hàng trăm triệu… Đúng thời điểm này là "cò đất" thoát thân, bong bóng giá đất vỡ.
Tình trạng bỏ cọc sau đấu giá, chạy "thoát thân" không phải hiếm tại Bắc Giang.
Trong tháng 10, 11/2020 toàn thành phố Bắc Giang tổ chức 3 phiên đấu giá đất. Cả 3 phiên này đều có khách hàng bỏ cọc.
Cụ thể tại các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang, Mỹ Độ và xã Đồng Sơn, Tân Mỹ có 6 lô bỏ cọc với số tiền trúng đấu giá hơn 10,6 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm hơn 5,6 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc là 600 triệu đồng.
Tại phường Dĩnh Kế, xã Đồng Sơn, xã Dĩnh Trì có 16 lô bỏ cọc,số tiền trúng đấu giá hơn 41,5 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm khoảng 26,3 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc hơn 1,6 tỷ đồng.
Tại khu dân cư cạnh quốc lộ 17 phường Đa Mai và khu dân cư cạnh Bệnh viện Nội tiết tỉnh, xã Tân Mỹ có 18 lô bỏ cọc, số tiền trúng đấu giá hơn 43 tỷ đồng, chênh khoảng 25 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Số tiền bỏ đặt cọc 2,3 tỷ đồng.
Tương tự thành phố Bắc Giang, trong tháng 10/2020 huyện Yên Dũng đã tổ chức tổng cộng 4 phiên đấu giá. Sau rà soát có 4 trường hợp bỏ cọc, không nộp tiền. Trong đó có 3 trường hợp bỏ cọc 3 lô đất tại khu dân cư mới Nham Sơn với tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 8,2 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Ở khu dân cư mới tổ dân phố Kem, Phương Sơn, khách hàng bỏ cọc 1 lô đất, số tiền trúng đấu giá 3,8 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 1,9 tỷ đồng.
Cũng mới đây, theo kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, toàn huyện còn 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Báo Bắc Giang thông tin thêm, các lô đất trên có diện tích từ 90 m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô.
Trên báo chí, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã từng nhận định trong hoạt động đấu giá đất hiện nay tại các địa phương thì hầu hết người tham gia đấu và trúng lại không phải là người dân có nhu cầu thật về nhà ở mà chủ yếu là các cá nhân tham gia đầu tư, đầu cơ, có cả người ở địa phương khác đến đầu giá. "Tình trạng này đang làm méo mó đi mục đích của việc đấu giá đất và gián tiếp tạo ra những khu đất bỏ hoang sau đấu giá khi các cơn sốt đất qua đi mà bài toán gia tăng đất ở cho cư dân hiện hữu thì vẫn không giải quyết được", GS. Võ chia sẻ.
Đối với vấn đề làm sao đưa đất vào thị trường thông qua đấu giá một các hợp lý nhất, tránh "vô tình" tạo điều kiện cho đầu cơ, thổi giá đất hay nhãn tiền nhất là việc nhà đầu tư dù trúng đấu giá đã bỏ cọc, theo các chuyên gia có thể xem xét phương án cấm hoặc hạn chế giao dịch ngay đối với thửa đất vừa trúng đấu giá cũng như đánh thuế nặng nếu sau một thời gian nhất định mà không đưa mảnh đất vào sử dụng. Khi không thể "bám" vào đất đấu giá để đầu cơ, thổi giá thì giá đấu cũng sẽ không bị thổi lên quá cao đến mức "ảo" và điều này sẽ giúp những người dân hiện hữu tại các địa phương có nhu cầu về nhà ở có thể tiếp cận được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.