Viện trợ tiền điện tử cho Ukraine: Đổi mới đỉnh cao hay chỉ là một nam châm càng hích thêm các trò gian lận?

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 30/03/2022 08:39 AM (GMT+7)
Sự hiện diện không mong muốn của Nga ở Ukraine đã mang cộng đồng tiền điện tử toàn cầu xích lại gần nhau hơn.
Bình luận 0

Ukraine, quốc gia đã tiến hành một cuộc phòng thủ kiên quyết chống lại sự tấn công của Nga, cho biết họ đã đi tiên phong trong một nguồn hỗ trợ tài chính mới: Mọi người trên khắp thế giới đã quyên góp hàng triệu đô la trực tiếp cho nỗ lực ứng phó chiến tranh của họ thông qua tiền điện tử như bitcoin.

Kể từ ngày 26 tháng 2, khi các quan chức Ukraine bắt đầu đăng tweet kêu gọi quyên góp tiền điện tử, chính phủ Ukraine cho biết họ đã thu được hơn 60 triệu đô la trong mục tiêu 200 triệu đô la đề ra hôm 26/3. Các khoản quyên góp lớn nhỏ đang đổ về từ mọi ngóc ngách trên thế giới. Chỉ trong một tuần sau khi kêu gọi, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tiền điện tử, các doanh nghiệp blockchain nổi tiếng và các nhà giao dịch tiền điện tử ẩn danh, trong số những người khác đã quyên góp tiền điện tử cho các ví tiền điện tử chính thức của Ukraine, các tổ chức phi lợi nhuận và các tình nguyện viên tại nước này.

ừa đảo tiền điện tử gia tăng giữa chiến tranh Ukraine. Ảnh: @AFP.

Lừa đảo tiền điện tử gia tăng giữa chiến tranh Ukraine. Ảnh: @AFP.

"Ngày nay, tiền điện tử đang đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Ukraine", Alex Bornyakov, Thứ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước đã viết trên trang web quyên góp của quốc gia.

Nhìn chung, cộng đồng tiền điện tử toàn cầu đã phản ứng tích cực, với các thông điệp ủng hộ trên các phương tiện truyền thông xã hội, và gây quỹ để cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ tài chính mà nước này cần vào thời điểm quan trọng này.

Ukraine đã chi khoảng 34 triệu đô la trong số tiền nhận được tính đến tuần thứ 2 của tháng 3, chuyển đổi khoảng 80% sang tiền tệ truyền thống và sử dụng phần còn lại để thực hiện giao dịch cần thiết với các thương gia đã chấp nhận tiền điện tử, Bornyakov cho biết khi trả lời các câu hỏi qua email. Các quan chức Ukraine đã nói rằng tốc độ chuyển tiền nhanh chóng đã khiến chúng trở nên hữu ích thiết thực hơn bao giờ hết.

Michael Chobanian, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Ukraine, là một trong số những người giúp chính phủ Ukraine quản lý các khoản quyên góp thông qua một thỏa thuận không chính thức, Bornyakov xác nhận. Chobanian nói trong một tin nhắn thoại được gửi qua ứng dụng Telegram: "Chúng tôi đang mua rất nhiều thứ từ quỹ tiền điện tử để có thể cứu sống con người mỗi ngày và cũng đang ngăn chặn hành vi xâm lược, vì vậy đây là sự khởi đầu của thế giới mới".

Chobanian cho biết, anh ấy không nhận được khoảng lương thanh toán nào cho công việc của mình, nhưng thừa nhận rằng một số khoản tiền đang được chuyển đổi thông qua sàn giao dịch tiền điện tử Kuna của anh ấy.

Bennett Tomlin, người điều tra các trò gian lận tiền điện tử và tổ chức podcast Crypto Critic's Corner cho biết: "Đó chắc chắn là lần đầu tiên. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một quốc gia có chủ quyền được tài trợ cho các nỗ lực bảo vệ của họ bằng tiền điện tử như trước đây. Nó là tiền đề khởi phát lập luận về tiền điện tử".

Lập luận đó là tiền điện tử cho phép gửi và nhận giá trị xuyên biên giới thông qua các mạng không thể dễ dàng bị kiểm duyệt hoặc đóng cửa vì không có thực thể nào chịu trách nhiệm. Những người ủng hộ cũng cho rằng tiền điện tử không yêu cầu người dùng tin tưởng vào các tổ chức tài chính, vì hệ thống được quản lý bằng mã hóa công khai, mà bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra và các giao dịch được ghi không thể xóa nhòa vào sổ cái kỹ thuật số công khai phân tán được gọi là blockchain.

Tất nhiên, nhược điểm của việc dễ dàng chuyển tiền điện tử đó là tiền điện tử tiếp tục là một nam châm cho các trò gian lận, và là loại tiền tệ được lựa chọn cho các mạng lưới tội phạm. Gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde đã cảnh báo rằng, tài sản tiền điện tử "đang được sử dụng như một cách để cố gắng  lách các lệnh trừng phạt " chống lại Nga, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết".

Đưa tiền vào chiến tranh Ukraine: Những kẻ lừa đảo đang lừa đảo tiền điện tử trên dark web

Khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng phát, một số trang quyên góp đã xuất hiện trong dark web yêu cầu tài trợ bằng tiền điện tử cho phe chính nghĩa Ukraine. Check Point Research, bộ phận tình báo về mối đe dọa của nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng đã báo cáo rằng, trong khi một số đang chạy các dịch vụ quyên góp chính hãng, thì nhiều quảng cáo giả đã tràn ngập trên dark web.

Thực tế, darknet là một phần của Internet không thể nhìn thấy đối với các công cụ tìm kiếm và chỉ có thể được truy cập thông qua các trình duyệt ẩn danh. Một số tổ chức nổi tiếng như BBC và Twitter đã sử dụng dark web để cập nhật thường xuyên cho người dùng Nga, vì các dịch vụ của họ đã bị hạn chế sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Tuy nhiên, giữa tất cả những điều này, một số kẻ lừa đảo đã tổ chức các trại quyên góp giả để thu tiền với các quảng cáo 'Giúp đỡ Ukraine'. "Check Point Research luôn xem xét kỹ lưỡng Darknet. Năm ngoái, chúng tôi đã tìm thấy quảng cáo cho các dịch vụ Covid-19 giả mạo". Oded Vanunu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lỗ hổng sản phẩm tại Check Point Software cho biết hiện nay, chúng tôi đang chứng kiến những trò gian lận quyên góp xuất hiện trên Darknet, khi xung đột Nga-Ukraine ngày càng gia tăng".

Cuộc chiến ở Ukraine có thể đặt ra những rủi ro an ninh mới cho các nhà đầu tư tiền điện tử

Để tránh các lệnh trừng phạt, Nga có thể dựa vào tiền điện tử như một dạng tiền tệ vì "các quy tắc và quy định tài chính quốc tế không dễ áp dụng cho tiền điện tử", Adam Levin, một chuyên gia an ninh mạng và người dẫn chương trình podcast "What the Hack" cho biết. Ông nói: "Không có gì ngạc nhiên khi người Nga sử dụng nó khi đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế".

Và khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine tiếp diễn, có thể sẽ có nhiều tội phạm mạng hơn và các mưu đồ lừa đảo mà các nhà đầu tư cần chú ý trong những tuần hoặc tháng tới, Levin nói. Lo ngại về các tin tặc có liên hệ với Nga không phải là mới: một phân tích gần đây cho thấy hơn 70% tổng số tiền kiếm được thông qua các vụ hack ransomware vào năm 2021 thuộc về các tin tặc có liên quan đến Nga.

Levin nói: "Các tổ chức tội phạm mạng của Nga có thể học bài học từ Triều Tiên và Iran đánh cắp tiền điện tử và các sàn giao dịch DeFi để tài trợ cho các hoạt động, đặc biệt là khi đồng Rúp Nga đang dần mất giá".

Tiền điện tử đã nhanh chóng nổi lên như một nguồn tiền hữu ích cho Ukraine. Khi xung đột với Nga gia tăng, các khoản đóng góp bằng bitcoin và các loại tiền điện tử khác tiếp tục đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: @AFP.

Tiền điện tử đã nhanh chóng nổi lên như một nguồn tiền hữu ích cho Ukraine. Khi xung đột với Nga gia tăng, các khoản đóng góp bằng bitcoin và các loại tiền điện tử khác tiếp tục đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: @AFP.

Những kẻ lừa đảo tiền điện tử đang lấp đầy hộp thư đến bằng các email 'quyên góp cho Ukraine' giả

Những kẻ lừa đảo đang tiếp tục vũ khí hóa cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine để thúc đẩy các kế hoạch kiếm tiền vô đạo đức của chúng. Đã có rất nhiều vụ lừa đảo, từ các trang web từ thiện giả mạo được lưu trữ trên các tên miền mới được đăng ký, cho đến các chiến dịch lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin nhạy cảm từ các nhà tài trợ tiềm năng cho Ukraine.

Giờ đây, nghiên cứu mới từ công ty bảo mật email Cyren xem xét cách những kẻ gian lận tiền điện tử đang sử dụng thư rác email để lừa đảo liên quan đến Ukraine mới nhất của họ. Theo báo cáo, các nhà nghiên cứu tại Cyren đã phát hiện ra hơn 100.000 email mỗi ngày cố gắng lừa mục tiêu quyên góp vào ví Bitcoin hoặc Ethereum do những kẻ lừa đảo thiết lập.

Ở đây, Cyren phát hiện ra "một số lượng lớn" những email rác này đang giả mạo tinh vi địa chỉ email chính thống bằng cách sử dụng các miền có liên quan đến Ukraine để trông như thật. Ngoài ra, một số email lừa đảo hướng mục tiêu đến các trang web được tạo gần đây ngụy trang thành các tổ chức từ thiện chính thức mang lại lợi ích cho người dân Ukraine. 

Với một URL mới được đăng ký, thường chứa từ "Ukraine" và thiết lập trang lừa đảo của chúng, những kẻ lừa đảo sau đó sẽ cố gắng hướng các nạn nhân tiềm năng qua email đến trang web từ thiện giả mạo. Khi vào trang web, những kẻ lừa đảo cung cấp cho mục tiêu một số ví tiền điện tử tưởng như thuộc về các tổ chức gây quỹ cho Ukraine. Trên thực tế, những ví tiền kỹ thuật số này lại thuộc về những kẻ lừa đảo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem