Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 2/10, Chi cục Thú y vùng VI phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã làm việc với Khu du lịch Vườn Xoài về vụ hổ chết nghi do nhiễm cúm A/H5N1.
Theo báo cáo, Khu du lịch Vườn Xoài có thêm 4 con hổ và 1 con báo bị chết. Tổng số cá thể đã chết đến nay tăng lên 20 con hổ và 1 con báo. Triệu chứng trước khi chết là bỏ ăn, đi lại yếu và sốt. Các mẫu bệnh phẩm đã được gửi đi xét nghiệm cúm A/H5N1.
Chi cục Thú y vùng VI cũng đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai lấy thêm mẫu bệnh phẩm trên hổ và báo xét nghiệm cúm A/H5N1 để nắm tình hình dịch bệnh này có lây đa loài hay không.
Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên xuất hiện dịch cúm trên cá thể hổ, báo, sư tử. Nguồn gốc lây bệnh chưa được xác định nhưng không loại trừ khả năng lây từ thức ăn là thịt gà, vì thú xuất hiện triệu chứng lây nhiễm đồng loạt.
Đoàn công tác cũng yêu cầu Khu du lịch Vườn Xoài xây dựng quy trình chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc thức ăn cho vật nuôi.
Tại Long An, đại diện vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) cũng đã báo cáo về nguồn gốc và thức ăn chính cho hổ, sư tử; và lấy các mẫu để xác định nguyên nhân chết của hổ, sư tử.
Ngành chức năng tỉnh Long An cho biết đã tiêu huỷ toàn bộ 27 con hổ và 3 con sư tử bị chết do nhiễm cúm A/H5N1.
Tổng số loài mèo lớn được giám sát tại vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) đến ngày 16/9 gồm: 28 cá thể hổ (hổ vàng 21 con, hổ trắng 7 cá thể); 8 con sư tử và 1 con báo đốm.
Trao đổi với báo chí, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, việc xảy ra cúm trên hổ và sư tử là chưa có tiền lệ (ít nhất là trên địa bàn tỉnh).
Tuy nhiên, nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra con đường lây truyền nguy hiểm virus cúm A/H5N1 từ gia cầm sang các động vật có vú, nhất là với loài mèo.
Theo bảng báo cáo năm 2005 về khả năng lây truyền cúm gia cầm từ hổ sang hổ trên trang www.cdc.gov (Mỹ), trong đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ở Thái Lan, khả năng lây truyền ngang giữa các loài hổ đã được chứng minh tại một vườn thú.
Phát hiện này có ý nghĩa đối với dịch tễ học và khả năng gây bệnh của virus cúm ở động vật có vú.
Trước đó, năm 2004, 1 đợt bùng phát dịch cúm gia cầm độc lực cao đã được báo cáo ở gia cầm và nhiều loài chim khác tại Thái Lan.
2 con hổ và 2 con báo hoa mai trong vườn thú ở Suphanburi (Thái Lan) đã chết sau khi sốt cao và suy hô hấp. Nhiễm H5N1 sau đó được xác nhận là nguyên nhân gây bệnh. Các con vật này đã được cho ăn thịt gà sống, có thể bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1.
Trang www.sciencedirect.com (nền tảng tiếp cận các tạp chí khoa học) cũng ghi nhận vào đầu năm 2013, một con hổ Bengal trong một sở thú đã chết vì suy hô hấp. Tất cả các mẫu từ con hổ này đều dương tính với A/H5N1, được phát hiện bằng PCR thời gian thực.
Phân tích miễn dịch mô học được Science Direct dẫn lại cũng xác nhận rằng con hổ đã bị nhiễm virus H5N1 tái tổ hợp. Điều này cho thấy virus H5N1 có thể vượt qua rào cản giữa các loài từ gia cầm sang động vật có vú, thông qua tái tổ hợp.
Website www.medrxiv.org (được thành lập bởi Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor thuộc Đại học Yale và tạp chí y khoa BMJ (Anh) cho rằng, động vật họ mèo dễ bị nhiễm virus cúm gia cầm.
Họ mèo săn bắt các loài chim hoang dã, và có thể trở thành vật chủ để virus cúm gia cầm thích nghi với động vật có vú.
Riêng mèo nhà là loài động vật gần gũi con người, và do đó tạo ra một con đường tiềm ẩn để virus cúm gia cầm lây lan từ động vật sang người.
Medrxiv đã hệ thống các tài liệu khoa học về virus cúm gia cầm ở mèo được báo cáo từ năm 2004-2024.
Trong số tất cả các trường hợp nhiễm trùng ở mèo đã được báo cáo, cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 là phân nhóm được xác định thường xuyên nhất, tiếp theo là H5N6, H7N2, H9N2 và H3N8.
Trang medrxiv.org cũng khuyến cáo, các bệnh nhiễm trùng ở động vật có vú thường xuyên tiếp xúc với con người cần được theo dõi chặt chẽ.
*Những thông tin Dân Việt trích dẫn trên đây chỉ mang tính tham khảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.