Vụ học ngành văn hóa vào phòng khám làm bác sỹ, có thể bị xử lý như thế nào?

Phi Long Thứ sáu, ngày 04/10/2024 15:14 PM (GMT+7)
Theo luật sư, người giả mạo bác sỹ để thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Thành lập đoàn kiểm tra phòng khám

Trước đó, người dân có đơn phản ánh cơ sở Phòng khám ĐHY TP.HCM tại địa chỉ 75 Nguyễn Tất Thành, TP Pleiku, có dấu hiệu hoạt động khám chữa bệnh trái phép.

Từ phản ánh của người dân, chiều 30/9, Sở Y tế tỉnh Gia Lai và Công an tỉnh Gia Lai đã lập đoàn kiểm tra đột xuất cơ sở này.

Thời điểm trên, tại cơ sở có một người đàn ông tự xưng là bác sĩ Thanh đang khám bệnh, tư vấn cho một khách hàng nhưng không hợp tác với đoàn kiểm tra.

Sau khi xác minh, đoàn kiểm tra xác định bác sỹ Thanh tên thật là Võ Minh Chiến (28 tuổi), trú xã Cư An, huyện Đak Pơ.

Võ Minh Chiến khai tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa, nhưng không rõ tốt nghiệp cấp gì, trường nào, không trình bằng cấp và bác sỹ này cũng không xuất trình được bằng cấp hành nghề y.

Chiến khai tự nhận mình là bác sỹ và tư vấn, khám bệnh cho khách hàng theo hướng dẫn của quản lý cơ sở này.

img

"Bác sĩ Thanh" làm việc với đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Công an tỉnh Gia Lai chiều 30/9. Ảnh: ĐKT

Hiện chủ cơ sở đang về quê giải quyết công việc, chưa có mặt tại Gia Lai, nên Sở Y tế Gia Lai đã gửi thư mời chủ cơ sở đến làm việc để làm rõ các nội dung liên quan.

Trước mắt, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở chấm dứt ngay hành vi vi phạm, dừng hoạt động khám chữa bệnh, tháo gỡ biển hiệu.

Theo đơn tố giác của người dân, một số người dân đã từng đến cơ sở này khám chữa bệnh với số tiền không nhỏ. Trong đó, có người được "bác sĩ Thanh" thăm khám, lên phác đồ điều trị tiêm xơ, laser sóng cao tần… 18 triệu đồng nhưng bệnh không giảm.

Người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, Điều 10, Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BYT hướng dẫn Luật khám chữa bệnh quy định:

Việc xác định phạm vi hành nghề của người hành nghề phải phù hợp với văn bằng, chứng chỉ chuyên môn liên quan đến y tế mà người đó đã được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; phù hợp với năng lực thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề theo chuyên khoa đăng ký hành nghề.

Phạm vi hành nghề của người hành nghề bao gồm việc khám bệnh, chữa bệnh, chỉ định các phương pháp cận lâm sàng, thực hiện các phương pháp khám bệnh, chữa bệnh, chuyên môn kỹ thuật, kê đơn thuốc, chỉ định các chế độ chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, đánh giá kết quả khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh theo chức danh nghề nghiệp và quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tại Điều 11 Thông tư này tương ứng với từng chức danh.

Người giả mạo bác sỹ để thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, nếu trong quá trình giả mạo làm bác sỹ mà làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân có thể bị xử lý hình sự về tội "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người nào vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 5 năm.

Trường hợp người mạo danh bác sỹ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng hành vi này có liên quan đến việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để có thể tiến hành hoạt động của bác sỹ thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo trong công tác (Điều 359 Bộ luật hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem