Khóc ròng vì giá
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về quận Ô Môn, Thốt Nốt… nơi có diện tích nuôi cá tra lớn nhất của TP.Cần Thơ để tìm hiểu về tình hình sản xuất cá tra. Tại đây, chúng tôi thấy hoạt động nuôi cũng như khâu đầu tư chăm sóc cá tra không được chú trọng. Nhiều ao nuôi đến lúc phải thu hoạch nhưng người dân vẫn nuôi tiếp để chờ… giá.
Ông Huỳnh Văn Tâm, người nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Thốt Nốt, nói: “Tôi có 2 ao nuôi, trong đó có 1 ao đang bỏ không, ao còn lại có trên 100 tấn cá tra. Hiện tôi đang chờ giá lên để bán vì với giá 21.000 đồng/kg như hiện nay thì tôi lỗ khoảng 2.000 đồng/kg. Không riêng gì tôi, nhiều hộ dân ở đây cũng rất khổ vì vay ngân hàng, vay nóng bên ngoài để đầu tư nuôi nhưng giờ thì thua lỗ”.
Ông Nguyễn Ngọc Hải- Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Không chỉ trong tháng 7 mà từ tháng 4 đến nay, giá bán cá tra đã giảm và biến động theo hướng bất lợi cho người nuôi. Cũng do giá giảm nên bây giờ không doanh nghiệp nào đi mua cá của người dân mà chỉ lấy cá từ vùng nuôi riêng của mình để xuất khẩu. Người nuôi cá tra, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ đang “chết” dần, không bàn cãi gì nữa”.
Theo chúng tôi tìm hiểu, cũng như ở TP.Cần Thơ, người nuôi cá tra ở các địa phương khác như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… cũng vô cùng khó khăn. Hiện giá cá tra nguyên liệu dao động từ 20.500 – 21.000 đồng/kg, (giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6), trong khi đó giá thành sản xuất 22.500-23.500 đồng/kg. Vì vậy, người nuôi lỗ từ 1.500-2.000 đồng/kg.
“Bây giờ chỉ có những doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư vùng nuôi và liên kết với nông dân nuôi rồi bán lại cho doanh nghiệp thì mới có thể tồn tại. Người nuôi cá tra bây giờ luôn lo sợ trước sự biến động của thị trường tiêu thụ” – ông Đào Minh Âu, người dân xã Tân Hội Trung (Cao Lãnh, Đồng Tháp) than thở.
Kỳ vọng vào Nghị định 36
Cũng theo ông Hải: “Nguyên nhân giá cá tra giảm là do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, các nước EU, châu Á và Đông Âu, đặc biệt thị trường Nga vẫn chưa mở rộng cửa đón nhận sản phẩm của chúng ta. Thêm vào đó là rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh đã bán phá giá sản phẩm, rồi trở lại hạ giá thu mua cá nguyên liệu nhằm đảm bảo lợi nhuận”.
Đề cập về tình trạng giá cá sụt giảm, ông Thái An Lai – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp đề xuất: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ để họ có sự liên kết thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, có nguồn nguyên liệu lớn dễ đàm phán giá cá với doanh nghiệp thu mua. Đối với các doanh nghiệp, cần có biện pháp chế tài và xử lý đối với việc cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá rồi ép giá người nuôi hoặc xuất khẩu sản phẩm không đạt chất lượng ảnh hưởng đến uy tín của cá tra trong nước”.
“Ngoài ra, chúng tôi đang kỳ vọng vào Nghị định 36 của Chính phủ (về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra) sẽ khắc phục được phần nào tình trạng này. Vấn đề chúng ta làm sao có sự quản lý chặt, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, không xảy ra tình trạng gian lận thương mại và đầu tư vào tìm kiếm thị trường thì giá sẽ tăng” – ông Lai chia sẻ.
Liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ cá tra ở tỉnh An Giang trong thời gian qua, ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, thông tin: “Theo tôi nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cách thức làm ăn giữa doanh nghiệp và người dân không có sự liên kết, thông cảm và cũng không rõ ràng. Vì vậy, thường xuyên dẫn đến việc phá hủy hợp đồng thu mua, tăng giảm giá thất thường”.
“Tôi hy vọng Nghị định 36 sẽ giúp các doanh nghiệp và người dân liên kết lại với nhau. Đồng thời, sẽ thiết lập lại một trật tự mới cho ngành hàng cá tra, là cơ sở pháp lý cần thiết để các nhà quản lý, các địa phương quản lý việc sản xuất, xuất khẩu có tập trung, có gắn kết giữa sản xuất với chế biến và xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng” – ông Bình nhận định.
Theo Bộ NNPTNT, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 7 tháng đầu năm ước đạt 6.200 ha với sản lượng khoảng 598.000 tấn. Theo đó, ở các địa phương sản lượng cá tra đều giảm so với cùng kỳ năm 2013, nguyên nhân chủ yếu là do giá cá nguyên liệu giảm, người nuôi không đầu tư chăm sóc. Để việc triển khai Nghị định 36 đạt hiệu quả tốt nhất, ngành nông nghiệp các địa phương đang khẩn trương đóng góp ý kiến cho thông tư hướng dẫn và những văn bản có liên quan đến nghị định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.