Bà Phan Thị Mỹ Thanh trong lần trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội (ảnh IT).
Ngày 23.4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp kỳ 24. Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
"Những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân bà Thanh. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh" - Kết luận của UBKT Trung ương nêu rõ.
Trước đó, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (tháng 10.2017), báo chí đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Khi Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc cho rằng bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - không còn xứng đáng là Trưởng đoàn cũng như đại biểu của nhân dân, vì bà có những vi phạm đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ. Khi cử tri đã không tín nhiệm, Quốc hội có xem xét tư cách ĐBQH của bà Thanh?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: Vừa qua bà Phan Thị Mỹ Thanh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật mức cảnh cáo. Bà Thanh là ĐBQH, đối với ý kiến của cử tri, các cơ quan chức năng đang tiến hành xem xét để thực hiện đúng quy trình sau đó báo cáo Quốc hội.
Sau vi phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra tại thông báo kỳ họp thứ 15, đến thông báo kỳ họp thứ 23 (ngày 12 và 13.3), Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục chỉ ra những vi phạm của bà Thanh và khẳng định: Xét thấy, những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, đến mức phải tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật.
Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành kết luận chỉ ra những vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng có hình thức xử lý đối với sai phạm, khuyết điểm của bà Thanh.
Theo một vị Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thông báo kỳ họp thứ 23 mới chỉ kết luận là Phan Thị Mỹ Thanh có vi phạm, còn khâu xử lý phải làm quy trình. Vị này cho biết thêm, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận liên quan đến vi phạm của bà Thanh, hoạt động của Thanh tra hoàn toàn độc lập không phải dựa trên nội dung Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề cập.
Nhìn nhận về vụ việc này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Nếu như cử tri được thông báo một đại biểu Quốc hội có những vi phạm, khuyết điểm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật cảnh cáo, tiếp đến là kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm thì người đó cũng sẽ mật sự tín nhiệm là người đại diện cho dân. Trường hợp như bà Phan Thị Mỹ Thanh có thể trong thời gian ngắn nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trong kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới sẽ xem xét tư cách ĐBQH của bà”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, thời gian qua, đối với sai phạm của cán bộ khi được chỉ ra đã được các cơ quan chức năng xử lý đồng bộ, từ phía cơ quan Đảng, cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân) và phía chính quyền.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho biết, theo quy định ĐBQH có tiêu chuẩn: Là người có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
“Với những vi phạm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, rõ ràng bà Phan Thị Mỹ Thanh đã không gương mẫu, vun vén cho công ty của chồng là vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Người làm ĐBQH mà trước đó có vi phạm pháp luật thì không đảm bảo tư cách ĐBQH. Tôi nghĩ sắp tới Quốc hội sẽ xem xét và bãi miễn tư cách ĐB của bà Thanh”, ông Cuông nói và cho biết thêm, nếu để trường hợp tai tiếng như vậy tiếp tục làm ĐBQH thì dư luật rất khó chấp nhận.
Vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra tại thông báo kỳ họp thứ 23 như sau:
Cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020.
- Trong thời gian là Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương), đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án Khu nhà tập thể Sở Công nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh (từ tháng 6.2011 – 9.2014), đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp của gia đình đồng chí.
- Vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, Nhà nước trong việc đồng chí đi nước ngoài.
Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ, để ra sai phạm của Công ty Cường Hưng (chồng bà Thanh làm giám đốc), một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm trong việc tham mưu và trực tiếp là trách nhiệm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, thời điểm giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Giai đoạn này, bà Thanh là người ký các văn bản hành chính của tỉnh có giá trị pháp lý cao nhất.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, thời kỳ làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Thanh ký quyết định cho phép đầu tư dự án chưa đúng quy định pháp luật, ký văn bản báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng chưa đúng sự thật, chưa đúng tiến độ thực hiện dự án, ký văn bản cho phép Công ty Cường Hưng được tính chi phí xây lắp tuyến đường vào chi phí hợp lý của dự án Khu dân cư là chưa đúng với chủ trương chung của tỉnh.
Ngoài ra, bà Thanh cùng với chồng một số lần tham gia trực tiếp điều hành Công ty là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng, vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nội quy, quy chế làm việc của UBND tỉnh.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.