12 bệnh nhân nhiễm trùng, hoại tử trong 1 tháng vì tự ý dùng thuốc nam điều trị vết thương

Diệu Linh Thứ ba, ngày 26/07/2022 06:07 AM (GMT+7)
12 bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử do dùng các loại lá, thuốc nam theo bài thuốc của thày lang hoặc theo lời mách để tự đắp vào vết thương.
Bình luận 0

Nguy cơ tàn phế vì tự ý điều trị bằng thuốc nam

Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng qua, khoa Chấn thương - Bỏng của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 12 bệnh nhân nhiễm trùng, viêm hoại tử vết thương do đắp thuốc nam.

Trong đó, nhiều bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật ghép da; có ít nhất 3 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương rất nặng nề, gây ảnh hưởng đến vận động, thậm chí có thể tàn phế.

Các loại lá cây, thuốc nam mà các bệnh nhân tự điều trị vết thương là do theo thày lang gần nhà hoặc theo kinh nghiệm truyền miệng.

12 bệnh nhân nhiễm trùng, hoại tử trong 1 tháng vì tự ý dùng thuốc nam điều trị vết thương - Ảnh 1.

Sau khi đắp thuốc nam, vết thương của bệnh nhân L bị nhiễm trùng, hoại tử vết bỏng, đã thực hiện ghép da. Ảnh BVCC

Gần nhất là bệnh nhân H.T.L (44 tuổi, ở TP Lạng Sơn) bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người nhiều năm nay. Nghe theo lời mách, bệnh nhân mời một người thầy lang đến nhà điều trị cho mình bằng thuốc nam.

Trong khi xông lá, bệnh nhân không may bị bỏng nước sôi nhưng thay vì đến cơ sở y tế điều trị vết bỏng, bệnh nhân tiếp tục tin tưởng thầy lang, đắp các loại lá cây và lông nhím để điều trị bỏng.

Sau 1 tuần đắp thuốc nam, vết bỏng của bệnh nhân L càng loét rộng, nóng rát, sưng nề tấy đỏ nên gia đình mới đưa bệnh nhân đi viện điều trị.

Qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử vết bỏng. Do vết bỏng khuyết da rộng, khó liền nên bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cắt lọc tổ chức viêm hoại tử sau đó thực hiện kỹ thuật ghép da (lấy da vùng đùi ghép vào vết bỏng khuyết da).

Hiện nay vết thương của bệnh nhân tiến triển tốt, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Một bệnh nhân khác là P.V.K (16 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn) vào viện do xuất hiện vết loét, chảy dịch sau khi phẫu thuật kết hợp xương đùi. Cách đây khoảng 7 tháng, bệnh nhân gặp chấn thương, đã phẫu thuật kết hợp xương đùi trái.

Sau khi xuất viện, gia đình bệnh nhân nghe theo lời mách của người quen lấy thuốc nam đắp vào vết mổ để xương mau liền. Tuy nhiên sau khoảng 1 tuần đắp thuốc, vết mổ của bệnh nhân càng loét rộng, chảy dịch nên mới được đưa đến bệnh viện.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị viêm hoại tử xương đùi trái, đây là một tổn thương vô cùng nặng nề đối với bệnh nhân.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tháo phương tiện kết hợp xương và nạo viêm xương sau đó tiếp tục cố định lại xương bằng khung ngoại vi cho bệnh nhân.

Do phần xương hoại tử phải loại bỏ nhiều nên sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình liền xương sau phẫu thuật của người bệnh, gây ảnh hưởng đến vận động, thậm chí có thể gây tàn phế.

Sau khi hồi phục sức khoẻ, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục thực hiện phẫu thuật ghép xương mới có cơ hội đi lại được.

Một bệnh nhân khác là N.T.R (58 tuổi, ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) bị bỏng nước sôi vùng đùi gối phải và mặt ngoài cánh cẳng tay phải. Tuy nhiên, thay vì đi khám và điều trị tại cơ sở y tế, gia đình đã tự ý rửa nước chè và đắp mật ong tại nhà cho bệnh nhân.

12 bệnh nhân nhiễm trùng, hoại tử trong 1 tháng vì tự ý dùng thuốc nam điều trị vết thương - Ảnh 2.

Cánh tay hoại tử tím đen của bệnh nhân R sau khi được đắp thuốc nam chữa bỏng. Ảnh BVCC

Sau 10 ngày điều trị tại nhà, tình trạng bỏng của người bệnh không khỏi mà vùng bỏng càng thêm đau rát, hoại tử đen tím, chảy dịch mủ vàng có mùi hôi nên người nhà mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị.

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân tự sử dụng thuốc nam đắp vào vết thương để chữa trị theo mẹo dân gian dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, tuy nhiên vẫn có không ít trường hợp lựa chọn tin vào lời mách, tin đồn, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Không tự ý dùng thuốc nam, đắp lá trị vết thương

Theo bác sĩ Trần Tuấn Việt, Khoa Chấn thương – Bỏng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn), có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bỏng hóa chất…

Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như mặt, chân, bàn chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay… ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề.

"Đáng nói, dù đã được tuyên truyền nhưng nhiều người dân vẫn tin theo lời mách dùng thuốc nam đắp và tự ý chữa trị theo mẹo dân gian (bôi kem đánh răng, mật ong, mỡ trăn,… vào vết bỏng), dẫn đến nhiễm trùng, để lại hậu quả nặng nề.

Trên thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp bị bỏng biến chứng nặng chỉ vì tin theo lời mách và tin đồn", bác sĩ Việt chia sẻ.

Bác sĩ Việt cũng khuyến cáo, khi bị bỏng, nếu không được chữa trị đúng cách bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, khi bị bỏng cần nhanh chóng ngâm rửa vùng bị bỏng vào nước sạch, nên ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng.

Nước để ngâm rửa phải là nước sạch, nhiệt độ tiêu chuẩn là từ 16-20 độ C. Tuyệt đối không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho nạn nhân. Đặc biệt, không bôi bất cứ loại thuốc hay hoá chất nào lên vùng bị bỏng.

Người dân cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để xử lý vết thương, tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

"Dù là gặp vết bỏng, vết thương hay mụn nhọt gì, người dân không nên tự điều trị các vết thương tại nhà khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là đối với những trường hợp điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá.

Đây là những phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể khiến cho tình trạng trầm trọng hơn", bác sĩ Việt nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem