154 nhân viên thú y Hà Nội sắp mất việc: “Các cấp có thẩm quyền chưa đối thoại với chúng tôi”
154 nhân viên thú y Hà Nội sắp mất việc: “Các cấp có thẩm quyền chưa đối thoại với chúng tôi”
Bình Minh
Thứ tư, ngày 02/12/2020 15:53 PM (GMT+7)
“Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi – 154 nhân viên thú y sắp bị chấm dứt hợp đồng lao động vẫn chưa được Sở NNPTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội gặp gỡ để trao đổi, đối thoại về việc này. Việc đột nhiên bị chấm dứt hợp đồng lao động khiến chúng tôi cực kỳ ngỡ ngàng”.
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, chị P.K.T (nằm trong 154 nhân viên thú y bị chấm dứt HĐLĐ) cho biết, theo Công văn số 3732 của Sở NNPTNT TP.Hà Nội, từ ngày 01/12/2020 chúng tôi chính thức bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, theo chị P.K.T và nhiều người trong diện bị chấm dứt hợp đồng cũng bất ngờ, đó là, các Sở, ngành có thẩm quyền vẫn chưa có một buổi gặp gỡ hay đối thoại nào với 154 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng.
"Giờ phút này chúng tôi cũng chưa nhận được Quyết định, cũng như các chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, sổ bảo hiểm xã hội, thay vào đó là chỉ nhận được duy nhất thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động từ Trạm Chăn nuôi và Thú y" – chị P.K.T bức xúc nói.
Chị P.K.T cho biết, trong 154 người bị chấm dứt hợp đồng lao động, đa phần đều là những người cống hiến rất nhiều năm trong nghề, người nhiều thì 15 đến 20 năm, người ít thì cũng 5 đến 7 năm.
Ngoài công việc chính được phân công, 154 nhân viên thú ý cơ sở này còn phải tham mưu, xây dựng kế hoạch từng tháng, quý về mảng nông, lâm, thủy sản. Trong khi đó, lại không được thêm một phụ cấp nào.
Ngoài ra, nhân viên thú y cơ sở còn giám sát dịch bệnh, đó là các sản phẩm giết mổ từ động vật được mang đến bán tại các chợ trên địa bàn.
Chị P.K.T đưa ra dẫn chứng: "Hiện nay, còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ từ các địa phương khác, sau đó vận chuyển vào trung tâm để bán, bởi vậy, chúng tôi phải giám sát hàng ngày. Ngoài ra còn phải phun tiêu độc khử trùng tại các chợ thường xuyên để đảm bảo an toàn dịch bệnh".
Cũng theo anh N.B.T (là một trong 154 thú y viên bị chấm dứt hợp đồng lao động), một khi bùng phát dịch bệnh, lực lượng thú y cơ sở là một trong những đội ngũ tiên phong, đầu tiên nắm bắt tình hình cũng như báo cáo, tham mưu cho UBND phường, Trạm Thú y và Chăn nuôi.
Anh N.B.T đưa ra dẫn chứng, năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, bộ phận thú y viên ngày nào cũng phải đi kiểm tra, vào chuồng lợn của từng nhà để xem lợn nó có bị bệnh hay không. Sau đó, cứ 1 tuần phải đi rắc vôi tại chuồng lợn của các hộ chăn nuôi 1 lần và tất cả đầu cống rãnh phải rắc vôi để khử trùng.
Nếu có dịch bệnh xảy ra, thú y viên sẽ phải gửi mẫu xét nghiệm, nếu phát hiện dịch bệnh phải tiêu hủy, theo chỉ đạo của trạm, UBND phường đào hố để tiêu hủy. Có những hôm đến tận 22h đêm anh em mới được nghỉ. Sáng ngày hôm sau lại kiểm tra các hố tiêu hủy đó để phun thuốc khử trùng, rắc vôi để làm sao dịch bệnh không lây lan.
Anh N.B.T nói tiếp, ngoài dịch tả lợn Châu Phi, cán bộ thú y cơ sở cũng phải xử lý các dịch bệnh khác để tránh lây lan sang người, như: bênh dại của động vật (thường xảy ra trên chó). Tuy nhiên, nhiều năm qua do có đội ngũ thú y cơ sở nên việc tiêm phòng luôn đạt 100%.
Anh P.V.D (nằm trong 154 nhân viên thú y bị chấm dứt hợp đồng lao động) cho hay, thực hiện theo Chỉ thị số 02 của HĐND thành phố về việc chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư, theo đó lộ trình sẽ đến năm 2023, tuy nhiên, cũng chưa thể di dời hay cấm chăn nuôi trong ngày một ngày hai. "Hiện nay chính quyền cũng đang rất cần người để giải quyết công việc này" - anh D. nói.
Hàng ngày anh P.V.D vẫn đi giám sát dịch bệnh trên địa bàn phường cũng như báo cáo về tình hình dịch bệnh về trạm thú ý.
"Bây giờ chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi, sẽ không còn thú y cơ sở nữa, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
"Thú y cơ sở là mắt xích cực kỳ quan trọng đối với công tác đảm bảo dịch bệnh trên địa bàn phường" - anh P.V.D chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 154 nhân viên thú y, chị T.T.S (nằm trong 154 nhân viên thú y bị chấm dứt hợp đồng lao động) cũng cho hay, trên địa bàn một số quận đang xây dựng vùng an toàn dịch, các phường cũng đã ra quyết định thành lập Tổ bắt chó thả rông, một số phường đã giao cho cán bộ thú y làm đội trưởng.
"Thế nhưng vừa ký Quyết định thành lập đầu tháng 11, bây giờ thú y cơ sở đã bị chấm dứt HĐLĐ, thì lực lượng nào có đủ chuyện môn về thú y để tham mưu cho phường để triển khai tiếp vùng an toàn dịch này" - chị T.T.S đặt câu hỏi.
Ngày 17/11/2020, Sở NNPTNT TP.Hà Nội đã có Công văn số 3732/SNN-TCCB gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chấm dứt hợp đồng lao động đối với 154 nhân viên kỹ thuật thú y chăn nuôi cấp xã thuộc vùng không được phép chăn nuôi.
Tiếp đó, ngày 23/11/2020, đồng loạt 154 nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y của các phường, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội ký đơn kêu cứu gửi đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh và các ban ngành do sắp phải chấm dứt hợp đồng theo Công văn số 3732 của Sở NNPTNT TP.Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.