Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi đã làm việc tại Báo Nông thôn Ngày nay đến nay tròn 27 năm. Hiện còn rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã và đang có thâm niên ở báo một vài chục năm như thế.
Không ít buổi trưa, nghỉ ngơi bên tách trà, chúng tôi quây quần ngồi nhắc nhớ lại những thuở ban đầu, những tháng năm cùng nhau làm việc, những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ sôi nổi, gian nan song cũng tràn đầy hạnh phúc…
Tôi về báo Nông thôn Ngày nay từ năm 1997, khi vừa rời ghế đại học. Lần đầu tiên bước chân đến tòa soạn ở số 13 phố Thụy Khuê, Hà Nội, biết nói sao: Một ngôi nhà cũ, hai tầng, chẳng có gì ngoài vài bộ bàn ghế cũ, nền gạch đá hoa còn viên lành, viên vỡ.
Tầng 2 chỉ có một phòng làm tòa soạn, 1 phòng dành cho toàn bộ phóng viên. Không hiểu sao, cảm giác của tôi khi ấy đã thân quen đến lạ. Người giao việc cho tôi lúc chân ướt chân ráo đó là Tổng Biên tập Nguyễn Thước và Phó Tổng Biên tập Võ Thị Mai Nhung.
Cô gái mới ra trường như tôi lúc đó chẳng có gì ngoài lòng nhiệt huyết với công việc, sự chăm chỉ, muốn học hỏi và không nề hà bất cứ việc gì được lãnh đạo giao.
Ngày ấy làm gì có điện thoại thông minh, máy tính xách tay, mạng Internet phổ biến như bây giờ; điện thoại để bàn cũng chỉ được gọi một cách hạn chế. Chúng tôi viết bài ra giấy, bài được duyệt, biên tập thì tòa soạn có người đánh máy lại…
Người đầu tiên mà tôi “hãi” nhất là anh Tuấn cận (anh Trần Lê Tuấn). Người thì gầy gò, có đẹp trai gì đâu mà lúc nào cũng lừ lừ, lạnh lùng đến phát khiếp. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ nói chuyện với ông này cho đến khi anh Tuấn gọi tôi lại và nói: “Này, mỗi số viết cho anh một bài nông nghiệp, anh thấy em rất chăm chỉ”.
Tôi viết thêm bài cho trang anh phụ trách, anh biên tập và chỉ bảo. Hóa ra, anh Tuấn lại là một người rất nghiêm túc, chỉn chu trong công việc và tình cảm, trừ một vài lúc anh Tuấn uống rượu tây tây, chẳng ai muốn dây dưa vào… Tôi bắt đầu quý anh Tuấn cận từ đó đến mãi sau này, thật sự rất quý trọng một con người yêu ghét rõ ràng.
Ngày ấy cứ sáng ra là chúng tôi đều xuống phòng đọc ở dưới tầng 1 để xem báo. Người giữ phòng đọc khi đó là cô Hà. Năm nay cô Hà cũng đã 70 tuổi. Căn phòng nhỏ của cô Hà là nơi lưu trữ báo lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Cô Hà rất tình cảm và chăm chỉ, bất kể lúc nào chúng tôi cần gì cô cũng đều vui vẻ giúp đỡ.
Bọn trẻ chúng tôi ngoài đọc báo đều bô lô ba la kể cho cô nghe rất nhiều chuyện mình gặp khi đi tác nghiệp, cả chuyện yêu đương của thiên hạ. Đến nỗi, ngày nào không xuống phòng cô ngày đó thiếu đi điều gì đó, cảm thấy rất khó chịu, nhớ nhớ, thương thương.
Một người nữa mà tôi không thể không nhắc đến đó là u Huế. Bà Huế đi bộ đội, lấy chồng muộn, bà không có con nên bọn trẻ chúng tôi đều coi bà là mẹ, mới gọi bằng u. Hàng ngày ngoài dọn dẹp cơ quan, u còn kiêm thêm nấu cơm cho chúng tôi ở góc phòng nhỏ dưới tầng 1.
Cứ đi làm ở đâu về là tôi vào "gian bếp" của u Huế và hỏi: Nay u nấu món gì thế, kiểu gì cũng sẽ được bốc mó, ăn thử. Cơm u Huế đã thành thân quen với chúng tôi suốt bao nhiêu năm trời cho đến khi chúng tôi chuyển tòa soạn về trụ sở mới ở ngõ 68 Dương Đình Nghệ.
U Huế rất thương chúng tôi. Bà coi chúng tôi như con cháu trong nhà, bực lên bà mắng, nhưng trong lòng u Huế lúc nào cũng mong chúng tôi sống tốt, vui vẻ, hạnh phúc. Và ở chiều ngược lại, ai trong cơ quan cũng đều thương, đều quý u.
Không chỉ có u Huế, mà u Nhũ (Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thị Nhũ) cũng vậy, chẳng có rào cản nào phân định ranh giới cô là “sếp” còn chúng tôi là lính cả. Cứ ngoài công việc ra là chúng tôi gọi cô Nhũ là u, cô cũng luôn vui vẻ gọi chúng tôi là “chúng mày”; Từ chuyện gia đình, chuyện yêu đương, đến chuyện no đói đều tâm sự với u Nhũ hết.
Tôi về báo chỉ một vài năm thì bác Nguyễn Thước về hưu, cô Mai Nhung lên làm Tổng Biên tập. Hiếm có cơ quan nào mà Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập lại có tình cảm khăng khít, bền chặt, keo sơn, đồng cam cộng khổ như hai người phụ nữ ấy - u Nhũ và cô Nhung.
Không có Tổng Biên tập Mai Nhung và một Ban Biên tập đoàn kết gắn bó thuở ấy, có lẽ không có tờ báo Nông thôn Ngày nay hùng mạnh như ngày nay. Với tôi, Tổng Biên tập Mai Nhung, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thị Nhũ là những vị "sếp" đặc biệt không bao giờ quên, trong cuộc sống và cho đến suốt sự nghiệp làm báo của mình!.
Ngày ấy Tổng Biên tập của tôi nghèo, phải ở nhà thuê, mãi vài năm sau Nhà nước mới phân cho cô Nhung một căn nhà tập thể trên gác 2 ở khu tập thể Kim Liên. Thế nhưng báo Nông thôn Ngày nay là tờ báo được “hiện đại hóa” với dàn máy tính có thể nói là rất sớm trong làng báo.
Tôi còn nhớ khi nhiều tờ báo lớn còn phải dàn trang thủ công, cắt dán thủ công thì báo Nông thôn Ngày nay đã chuyển sang dàn trên máy tính. Chúng tôi từ viết bài trên giấy đã sớm chuyển sang gõ bài luôn trên máy tính và gửi cũng trên hệ thống máy tính. Tòa soạn từng bước được hiện đại hóa từ đó.
Đau đáu với tờ báo không ai khác chính là Tổng Biên tập Mai Nhung. Có những lúc, báo không bán được, không có nguồn thu, anh em phóng viên, nhân viên bị nợ lương nhiều tháng trời, nhiều người rời tờ báo ra đi song Tổng Biên tập của tôi và Ban Biên tập báo tôi không bỏ cuộc.
Cuối cùng, tờ báo Nông thôn Ngày nay của chúng tôi vẫn vượt qua được khó khăn, sống được với nghề một cách đàng hoàng, tử tế. Nông thôn Ngày nay cũng là tờ báo cho toàn bộ người lao động đi du lịch nước ngoài nhiều nhất khi đó, trở thành niềm ao ước của cán bộ phóng viên nhiều tờ báo lớn lúc bấy giờ…
Vượt qua biết bao nhiêu thăng trầm, gian khó, tờ báo của tôi đang chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số đầu tiên (7/5/1984 – 7/5/2024). Từ vài chục con người, Nông thôn Ngày nay đang ngày càng phát triển với hơn 200 lao động, các văn phòng đại diện trải khắp từ Tây Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM...
Tôi cũng được vinh dự làm việc tới đời Tổng Biên tập thứ 4 của tờ báo. Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi chỉ mong, Nông thôn Ngày nay sẽ ngày càng lớn mạnh.
Người Nông thôn vốn hiền hậu, luôn trân quý tình cảm sẽ lại trở về đúng với người Nông thôn trong trái tim tôi…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.