"Ai" có quyền quyết định giá sách giáo khoa?

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 08/06/2022 17:14 PM (GMT+7)
Về quản lý giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây không phải mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản.
Bình luận 0

Quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc nhà xuất bản

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc diễn ra ngày 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý và trách nhiệm của các Bộ khi để giá sách giáo khoa tăng cao.

"Ai" có quyền quyết định giá sách giáo khoa? - Ảnh 1.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang chất vấn. Ảnh: QH

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (tỉnh Hải Dương) cho rằng, theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp là các nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường.

Do vậy, theo đại biểu Ngọc Dung xảy ra một thực tế, đó là Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa, Bộ Tài chính thẩm định giá, gây ra những vấn đề liên quan đến quản lý và trách nhiệm. Đại biểu Ngọc Dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có chia sẻ hay giải pháp gì để giải quyết về vấn đề giá sách giáo khoa?

Tiếp sau đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang) cũng chất vấn, hơn 2 năm trước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ GD&ĐT có kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật Giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành. Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ và đến khi nào Bộ hoàn thành kiến nghị này?

"Ai" có quyền quyết định giá sách giáo khoa? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sách giáo khoa không phải là mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản.

Về quản lý giá sách giáo khoa, trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sách giáo khoa không phải là mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản.

Về quan điểm đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng nhà nước định giá, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thẩm quyền quyết định việc này là của Quốc hội. Các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình.

Hiện Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới, để Quốc hội xem xét quyết định.

Sẽ trình giải pháp ổn định, lâu dài về giá sách giáo khoa

"Ai" có quyền quyết định giá sách giáo khoa? - Ảnh 3.

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa. Ảnh QH

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm, thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.

Về những vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách.

Trong việc yêu cầu doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm khâu trung gian, chi phí phát hành canh tranh lành mạnh, Bộ GD&ĐT đã và đang làm, sẽ tiếp tục thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó có nêu rõ "giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào".

Do đó, Bộ trưởng mong muốn các địa phương cùng với Bộ GD&ĐT tiếp tục kiểm soát việc này ở các trường học thuộc địa bàn của mình để tránh gây bức xúc trước dư luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem