Ám ảnh chuyện xe máy chở thi thể bó chiếu, "Bồ tát sống" chạy ô tô cứu thương miễn phí

Đức Sơn – Hoàn Như Thứ hai, ngày 16/09/2019 00:25 AM (GMT+7)
Từ các phương tiện báo chí, truyền thông mà bà Bính biết được những hoàn cảnh khó khăn, những câu chuyện đau lòng của các bệnh nhân ngoại tỉnh về Hà Nội chữa trị. Chính vì sự đồng cảm và tình thương giữa người với người, bà Bính đã quyết định bỏ tiền túi mua một chiếc xe cứu thương “miễn phí”.
Bình luận 0

Chiếc xe cứu thương miễn phí hoạt động 24/24 khắp các tỉnh miền Bắc.

“Bồ tát sống” thời hiện đại

Chia sẻ với chúng tôi về lý do bà quyết định thành lập và duy trì nhóm xe cứu thương miễn phí này, bà Phan Thị Bính (SN 1956, trú quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cho rằng đó là sự đồng cảm và tình thương giữa người với người.

Ngoài nhóm thiện nguyện xe cứu thương, bà Bính cũng là tổ chức một nhóm thiện nguyện khác chuyên nấu cơm, phát cơm miễn phí dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội. Chưa hết, bà còn liên kết với Bệnh viện Mắt để làm chương trình mổ mắt từ thiện cũng như tham gia các đoàn làm từ thiện trên khu vực vùng cao. Chính vì những hành động làm đẹp cho đời mà không cần báo đáp này, nhiều người đã gọi bà Phan Thị Bính là “Bồ tát sống” thời hiện đại.

img

Bà Bính chia sẻ làm công tác từ thiện gặp nhiều khó khăn, không đơn giản là cho và nhận như mọi người vẫn nghĩ.

Năm 2015, chồng bà Bính đã qua đời trong khi các con đều đã trưởng thành và ra ở riêng, căn hộ chung cư nơi bà ở trở thành trụ sở của nhóm thiện nguyện. Các thành viên nhóm thiện nguyện có một số người quê tỉnh khác đều ở tại nhà của người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi. Bà Bính quyết định ngược xuôi khắp mọi miền để làm từ thiện thay vì an hưởng quãng thời gian nghỉ hưu.

“Năm 2016, qua các phương tiện báo chí, truyền thông, tôi biết được trường hợp anh Lò Văn Muôn (quê Sơn La) phải trở thi thể em gái bó chiếu trên xe máy về nhà làm hậu sự đã ám ảnh tôi. Chính vì thế, tôi đã quyết tâm tìm hiểu, kêu gọi bạn bè, người quen để thành lập nhóm xe cứu thương miễn phí”, bà Bính cho hay.

Nghĩ là làm, bà Bính đã cùng người bạn thân Thái Thị Tám (SN 1964, trú quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) vượt hơn 2.000km lặn lội vào An Giang để tìm hiểu về mô hình nhóm thiện nguyện xe cứu thương miễn phí cũng như cách vận hành, các thủ tục cần thiết để đưa nhóm đi vào hoạt động.

“Tôi và bạn khá may mắn khi được hội thiện nguyện tại đây hỗ trợ, giúp đỡ nhiều mặt. Sau khi tìm hiểu về cách thức hoạt động, tôi đã quyết định mua lại một chiếc xe hiệu Toyota cũ khoảng 600 triệu đồng để làm xe cứu thương. Số tiền này tôi chẳng kêu gọi ai cả, là tiền tích cóp của bản thân tôi và các con hỗ trợ chiếm khoảng 90% vốn mua xe, còn 10% còn lại là các thành viên trong nhóm và một số người vui vẻ ủng hộ”, bà Bính cho biết.

Khó khăn bà Bính cùng các thành viên nhóm thiện nguyện gặp phải ngay từ đầu đó là vấn đề… mua xe. Bà Bính cùng bà Thái đều là phụ nữ, không hiểu biết nhiều về xe, thậm chí là mù tịt nên việc mua xe đã là một công việc khó nhằn.

“Tôi đã phải nhờ mấy anh trong nhóm thiện nguyện miền Tây đi xem xe, mua xe rồi đăng ký luôn tại TP.Hồ Chí Minh. Thậm chí, ngày đưa xe ra Bắc, tôi cũng phải nhờ một anh trong hội lái xe ra giúp”, Bà Bính kể.

img

Chiếc xe cứu thương trị giá hàng trăm triệu có 90% số vốn do bà Bính bỏ tiền túi.

Dành hết tâm chí làm từ thiện

Theo bà Phan Thị Bính, khi nhóm thiện nguyện của bà được thành lập do bà làm nhóm trưởng, cách thức hoạt động đã được thống nhất, xe cũng đã có, thế nhưng vấn đề lớn nhất làm cả nhóm “dở khóc dở cười” ấy là chẳng có… lái xe.

“Nhóm thiện nguyện chúng tôi chủ yếu là nữ, đến lúc mua xe rồi mới nhớ ra là quên tính việc ai là người lái xe. Không có lái xe thì làm sao chúng tôi đi vào hoạt động? Thế là tôi lại phải liên hệ nhờ nhóm thiện nguyện miền Tây, may mắn có ông Mai Văn Toàn (SN 1964, quê An Giang) đã đồng ý ra Hà Nội hỗ trợ cho đến khi chúng tôi tìm được tài xế mới”, bà Bính nói.

img

Ông  Mai Văn Toàn, lái xe đầu tiên của nhóm thiện nguyện xe cứu thương miễn phí.

Lái xe cuối cùng cũng có, thế nhưng theo bà Bính, việc khó nó cứ dồn việc khó, có đủ nhân lực, vật lực, cách thức hoạt động nhưng phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Sau khi đã đi đăng ký, hoàn tất thủ tục xin được hoạt động xe cấp cứu với đầy đủ quyền ưu tiên như: sử dụng đèn còi tín hiệu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… như các chiếc xe chuyên dụng khác với cơ quan chức năng. Bà Bính cùng nhóm thiện nguyện tiếp tục phải đến từng phòng Công tác xã hội của các bệnh viện để đặt vấn đề chạy… miễn phí.

“Một số người còn mạo danh là trưởng nhóm thiện nguyện, thu tiền bất chính khiến nhiều người gọi điện chửi bới tôi cùng các thành viên. Hành động này làm các bệnh nhân, người nhà họ hiểu sai về mô hình xe cứu thương miễn phí cũng như hình ảnh của nhóm thiện nguyện.

Sau một quãng thời gian dài làm thiện nguyện, nhiều mạnh thường quân đã biết đến nhóm chúng tôi và ngỏ lời tài trợ, đóng góp cho nhóm. Đối với những mạnh thường quân, dù ít dù nhiều chúng tôi vẫn xin nhận lòng tốt và gửi lời cảm ơn đến họ”, bà Bính nói.

Cho tới thời điểm hiện tại, những trường hợp mạo nhận là trưởng nhóm thiện nguyện xe cứu thương miễn phí đã không còn, tuy nhiên chi phí để duy trì tần suất hoạt động của chiếc xe là một vấn đề lớn đối với nhóm. Số tiền kinh phí để chiếc xe cứu thương hoạt động hiện nay đều trích từ quỹ của nhóm thiện nguyện mà phần lớn là tiền túi của bà Phan Thị Bính, số còn lại đến từ những tấm lòng vàng của các mạnh thường quân.

“Cứ xả thân hết, dành tất cả tâm trí để cuộc sống của họ bớt khổ được phần nào là tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Có lẽ ở tuổi này, sau quãng thời gian hơn 20 năm làm thiện nguyện, việc giúp ích cho cuộc đời đã trở thành tâm nguyện của tôi”, bà Bính chia sẻ.

Anh trai bó chiếu thi thể em gái chở về nhà

Ngày 12/6/2016, trên trang Facebook Otofun, người dùng nickname Tùng Hải chia sẻ bức ảnh ghi lại cảnh một người đàn ông đi xe máy biển số 26H1-031… chở một vật thể giống như thi thể người phía sau. Vật thể lạ được cuốn trong chiếu nhưng vẫn lộ 2 chân người ra bên ngoài.

Công an tỉnh Sơn La đã vào cuộc điều tra và xác định danh tính người chết là chị P, trú ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Chị P mắc chứng bệnh lao phổi được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Do bị bệnh nặng, chị P đã tử vong.

Do không có tiền thuê xe ô tô nên người thân chị P đã sử dụng xe máy chở thi thể chị P về huyện Quỳnh Nhai để mai táng.

“Chuyến xe cuối cùng” đưa thiên thần nhỏ về quê yên nghỉ và những câu chuyện rớt nước mắt

Hai năm qua, chàng trai 9X ở Sài Gòn đã giúp hơn 100 “chuyến xe cuối cùng” cho các bậc cha mẹ nghèo đưa con của họ về...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem