Khánh Gia
Thứ ba, ngày 13/02/2024 13:06 PM (GMT+7)
Đã mấy năm nay tôi vẫn thường qua lại vùng đất Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn, nhưng lần nào tới cũng cảm nhận như lần đầu tiên. Bởi Bắc Sơn là một vùng đất xinh đẹp kỳ lạ của Xứ Lạng - nơi người thì hiền, trái thì ngọt, và ở cái huyện xa nhất thành phố Lạng Sơn này cái gì cũng phát triển.
Hồi đi học phổ thông môn lịch sử có bài học về khởi nghĩa Bắc Sơn tôi chỉ mường tượng ra ở nơi đó xa lắm, có những cánh rừng gỗ lim, gỗ nghiến cổ thụ, có những người nông dân đã làm cho quân Pháp khiếp nhược… Rồi cách đây khoảng 30 năm, người bác họ công tác ở mạn ngược về thăm quê, mang theo những quả quýt. Khi ông mới mở cái ba lô bộ đội ra, chúng tôi xúm vào thì ngửi thấy một mùi thơm rất lạ, cái mùi của sương nắng, núi rừng… Ông bác bảo đó là quýt Bắc Sơn.
Tôi tự hứa hẹn với lòng mình mấy lần, sẽ phải đi tìm trái quýt nức tiếng. Lần lữa mãi, đầu tháng 12/2023, đúng mùa quýt chín, tôi mới có cái cớ ngược ngàn tìm trái ngọt của vùng đất Bắc Sơn.
Lão nông Dương Công Uyên (57 tuổi, ở thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn) - người bao năm qua đã nếm đủ ngọt bùi chua chát với quả quýt Bắc Sơn, chia sẻ: Ở Bắc Sơn có những vườn quýt có tuổi thọ ngót trăm năm rồi, mấy thế hệ trong gia đình truyền cho nhau. Giống quýt này được trồng ở trên những thung, khe núi cao, có những cây cao tới 7m và to như những cây cổ thụ. Nhưng điểm đặc biệt nhất của trái quýt Bắc Sơn là mùi và vị. Khi quýt chín, bóc lớp vỏ vàng óng ra thì có mùi thơm rất thanh và rất sâu, nó giống như một loại tinh dầu ở trong gỗ tử đàn mà người ta dùng để làm nước hoa. Còn múi quýt thì mọng, ăn vào có vị ngọt thanh, chua dịu - đó mới là quýt Bắc Sơn chính hiệu. Nhiều người chưa hiểu thắc mắc là quýt phải ngọt sắc mới quý chứ, sao lại chua dịu ngọt thanh? Người vùng cao không nghĩ thế, nếu quýt ngọt quá mà dùng để ăn khi đi làm lúc trời nắng thì lại càng khát nước thêm, phải là ngọt thanh, chua dịu thì mới có tác dụng giải khát và giải cả rượu nữa...
Nghe bác Uyên giải thích, tôi mới hiểu không phải vô cớ mà trái quýt Bắc Sơn lại tồn tại hàng trăm năm trong đời sống, văn hoá của bà con xứ này như vậy, và nhiều năm qua huyện Bắc Sơn đã tổ chức hẳn Lễ hội quýt vàng Bắc Sơn mỗi khi đến mùa quả chín. Cũng nhờ trái quýt này mà bác Uyên từ một người nghèo gần 20 năm, trước giờ đã có của ăn của để. "Mình xây được nhà cũng nhờ trúng mấy vụ quýt, có năm 100 cây quýt mà mình thu đến 150 triệu đồng. Cộng với làm thuốc lá, chăn nuôi, mình vừa đầu tư sửa căn nhà sàn cho bố mẹ hết hơn 1 tỷ đồng" – bác Uyên vui vẻ khoe. Bác cũng bảo vừa mới xuống giống để mở rộng thêm vườn quýt.
Có đến vùng đất quả ngọt Bắc Sơn thì chúng ta mới hiểu thêm là ở đây thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp để phát triển cây có múi. Nông dân Việt Nam xuất sắc Dương Văn Dũng (thị trấn Bắc Sơn) sở hữu vườn cam canh hữu cơ mỗi năm cho thu trên 2 tỷ đồng, chia sẻ: "Đất quê tôi rất phù hợp phát triển cây có múi. Những vườn bưởi, vườn cam cho thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi vụ không hiếm".
Tìm hiểu từ Phòng Nông nghiệp huyện thì toàn Bắc Sơn hiện có hơn 900ha cây ăn quả có múi, gồm một số loại chủ yếu như: quýt (560ha); cam (160ha), bưởi (170ha). Trong đó rất nhiều diện tích được nâng lên sản xuất hữu cơ, an toàn và chất lượng cao, giúp thương hiệu trái cây Bắc Sơn ngày càng hút khách.
Người hiền và cần cù lao động
Cá nhân tôi cũng có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Xứ Lạng, và cũng có những cảm tình rất riêng với người Bắc Sơn vì họ chịu thương chịu khó, tính nết hiền hoà. Chị Phùng Thị Thanh Nga - Chủ tịch huyện Bắc Sơn chia sẻ: Nhân dân các dân tộc Bắc Sơn với truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đã chung tay góp sức giúp kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện có nhiều đổi mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, đời sống người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Nữ chủ tịch cho hay, Bắc Sơn đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản phẩm hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện đồng bộ, toàn diện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với nông nghiệp, huyện khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình du lịch mang tính đặc trưng, tăng tính cạnh tranh. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh để phục vụ phát triển du lịch…
Rời mảnh đất Bắc Sơn với gần 73.000 người dân hiền hòa, giàu sức sống và quyết tâm gây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tươi đẹp, tôi nhớ như in từng khuôn mặt hồ hởi tự tin của các bác nông dân, của vị nữ chủ tịch huyện xinh đẹp, năng động và đầy nhiệt huyết. Và tôi tin những con người ấy sẽ làm cho Bắc Sơn cả 4 mùa đều tươi đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.