Dân Việt đã đưa tin trong hai bài: “Hơn 8.000 m3 gỗ để mục nát, hư hỏng…, chỉ “nghiêm túc rút kinh nghiệm” và “Rừng Bình Phước đang bị… rỗng ruột”.
Nội dung phản ánh UBND tỉnh Bình Phước ban hành công văn số 3911/UBND-TH ngày 30/12/2019, cho phép các đơn vị chủ rừng tiêu huỷ hơn 8.000 m3 gỗ.
Cách đây 1 tháng, đống gỗ được tập kết về bãi Khu công nghiệp Đồng Xoài.
Nay chỉ còn là bãi đất trống và dấu hiệu đống gỗ đã bị đốt cháy, chỉ còn tro.
Đây là số gỗ tồn từ 9 dự án trước đây tỉnh này cho phép khai thác, tận thu, từ các dự án như: Chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp... Tuy nhiên, giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng, cấm mọi hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản.
Tại Bình Phước, thống kê của các cơ quan chức năng, có hơn 8.000 m3 gỗ được khai thác, nhưng chưa vận chuyển ra khỏi rừng, hoặc các bãi chứa lâm sản. Hàng ngàn khối gỗ không được bảo quản, phơi mưa, nắng, theo thời gian đã mục nát, hư hỏng, xuống cấp.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Phước buộc phải ra công văn 3911, cho phép “tiêu huỷ” hơn 8.000 m3 gỗ tồn trên, bằng cách để tự mục tại hiện trường. Điều này khiến công luận bức xúc, cho rằng quá lãng phí tài nguyên rừng. Chưa kể, Bình Phước còn phải hoàn trả 4 doanh nghiệp gần 11,2 tỷ đồng.
Một trong nhiều cây rừng bị chặt hạ tại tiểu khu 363 - Nông lâm trường Tân Lập.
Đây là số tiền 4 doanh nghiệp đóng nộp cho chủ rừng để được phép vào rừng chặt hạ hàng loạt cây gỗ có tuổi đời từ hàng chục, đến hàng trăm năm tuổi, dưới cái gọi là “tận thu” lâm sản. Hiện nay, do không chở được lâm sản đã chặt hạ từ rừng ra, nên chính quyền phải hoàn trả tiền cho 4 doanh nghiệp.
Tại buổi giao ban báo chí ngày 5/3, đại diện các cơ quan báo chí chất vấn, tại sao Bình Phước tiêu huỷ hơn 8.000 m3 gỗ với phương pháp tiêu huỷ tréo ngoe như vậy?. Tại sao cho các doanh nghiệp vào chặt hạ cây rừng, bây giờ phải trả tiền cho người chặt hạ và phi lý hơn là phải ra công văn tiêu huỷ gỗ rừng?. Kết quả những việc trên không thấy lợi ích gì mà chỉ để lại hậu quả tốn kém tiền bạc, gây thiệt hại hơn 8.000 m3 gỗ rừng.
Nhiều cây đã chặt hạ, nhưng vẫn chưa kéo ra khỏi rừng.
Trong cuộc họp này, bà Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã thừa nhận: “Có 3 bài học cần phải rút ra từ vụ việc này, đó là phải nâng cao trách nhiệm công vụ. Thứ hai, phải kịp thời xử lý phát sinh hành chính nhà nước. Thứ ba, cần kiểm tra sát sao, kịp thời”.
Mặc dù chính quyền cho rằng các cây gỗ khai thác trước khi Thủ tướng Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng - tức trước tháng 6/2016, nhưng hiện nay, tại các gốc cây rừng đã chặt hạ, vạt gốc, thân cây vẫn còn tươi nguyên, rỉ nhựa.
Phó Chủ tịch Trần Tuyết Minh cho hay: “Sẽ kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan đến vụ lâm sản tồn. Nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định luật pháp. Sai tới đâu xử lý tới đó. Sau khi kiểm điểm các cá nhân, tổ chức sai phạm, hoặc phát hiện các bất cập, sai phạm khác, UBND tỉnh sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí”.
Với ý kiến của các cơ quan báo chí nêu, có sự chênh lệch về số lượng lâm sản tồn, tại văn bản của Sở NNPTNT với công văn của UBND tỉnh Bình Phước, bà Minh chỉ đạo ông Trần Văn Lộc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, cho kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.