Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm kết dư 1.000 tỷ, 12 năm chưa chi đồng nào

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 22/03/2022 13:08 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là cần thiết để chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm; hiện quỹ này còn 1.000 tỷ đồng, nhưng không chi lần nào từ khi lập tới nay.
Bình luận 0

Sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 9 cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm 12 năm kết dư nghìn tỷ, nhưng chưa chi đồng nào

Tại phiên họp, báo cáo các vấn đề lớn giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Bộ trưởng Tài Chính: Kết dư 1.000 tỷ quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, 12 năm chưa chi đồng nào - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.

Theo ông Thanh, tại báo cáo từ 9/2021, Chính phủ đề nghị dừng trích Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do sau 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.

Trong dự thảo luật sửa đổi hiện đang quy định 2 quỹ là Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm cùng với mục đích bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Do đó, Thường vụ Ủy ban Kinh tế cho rằng việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Cho nên, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ tại tờ trình vào tháng 9/2021, đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập quỹ.

Bộ trưởng Tài Chính: Kết dư 1.000 tỷ quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, 12 năm chưa chi đồng nào - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp sáng 22/3. Ảnh: Quochoi.

Tuy nhiên, giải trình ý kiến này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ muốn giữ quỹ này vì không thể bảo đảm 100% doanh nghiệp bị khó khăn, giải thể. "Chúng ta không thể đảm bảo 100% các công ty bảo hiểm không gặp vấn đề như vỡ nợ hay vấn đề bất thường khác", ông Phớc nói và nhấn mạnh, nếu không có quỹ này thì nhà nước sẽ không có công cụ nào để can thiệp vào khi xảy ra vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính dẫn ví dụ khi thiên tai, dịch bệnh thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể khó khăn. Việc duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là cần thiết để chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm.

Theo ông, hiện tại mức trích nộp của quỹ này là 0,3%, nếu lo về gánh nặng cho doanh nghiệp thì có thể giảm xuống từ 6-10 lần nhưng cần phải duy trì quỹ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

"Hiện quỹ này còn 1.000 tỷ đồng, nhưng không chi lần nào từ khi lập tới nay. Vì mục đích chỉ chi cho người lao động chứ không dùng cho việc khác. Chúng tôi nghĩ cần phải duy trì quỹ này. Chúng tôi nêu ý kiến như vậy để Thường vụ Quốc hội xem xét", ông Phớc nói.

Phải xây dựng phí khi khai thác dữ liệu kinh doanh bảo hiểm

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Tấn Tới cho biết, trong luật có quy định "người mua và người bán, các bên chịu sự trung thực của thông tin", nhưng nếu sử dụng thông tin không đúng mục đích bảo hiểm có xử lý được hay không.

Ông Tới nêu thực tế có việc các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có thông tin của người mua sau đó chuyển cho doanh nghiệp khác, thậm chí chuyển ra nước ngoài. Do đó cần quy định việc sử dụng thông tin cá nhân đúng mục đích thông tin.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về khai thác dữ liệu kinh doanh bảo hiểm đây là phục vụ cho nhà quản lý, pháp luật nhà nước nhưng cũng phục vụ cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, việc cung cấp phải phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo bí mật kinh doanh, bảo đảm cá nhân.

"Sau này, chúng ta phải xây dựng phí khi khai thác dữ liệu kinh doanh bảo hiểm, ví dụ như dữ liệu dân cư có những dữ liệu phải thu phí", ông Phớc cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem