Bóp họng người nghèo

Vương Hà Thứ ba, ngày 25/08/2020 16:25 PM (GMT+7)
Dẫu biết rằng, có những kẻ tham lam vô độ, nhưng vẫn không khỏi ghê sợ những đối tượng cậy "hiểu biết" pháp luật nhằm "ăn không" của cả những thân phận thấp cổ bé họng từng gắn bó với mình.
Bình luận 0

Những ngày qua dư luận dậy sóng việc chị Chung cùng người nhà, hàng xóm "bao vây" nhà ông Trần Đình Đ. (nguyên Phó Công an huyện Thanh Chương, Nghệ An) để đòi lại 682 triệu đồng – số tiền mà chị Chung đã đưa ông Đ. để nhờ mua hộ nhà.

Nhờ sự "bao vây", nhờ cộng đồng mạng lên tiếng, ông Đ. buộc phải thừa nhận đã cầm của chị Chung 682 triệu đồng.

Điều khiến dư luận bức xúc không chỉ là vụ án có tính chất lừa đảo, mà đắng cay, chua xót hơn, khi chị Chung là người làm thuê cho ông Đ., tin tưởng ông ta là người có chức, có quyền, hiểu biết pháp luật, nên đã đưa tiền nhờ ông Đ. mua hộ đất. 

Vậy mà, ông Đ. định quỵt tiền của một người đặt hết niềm tin vào mình. Phải chăng ông ta – người nắm chắc luật, nghĩ rằng không có giấy biên nhận, không có người làm chứng thì có thể nuốt trôi khoản tiền trên của một người thấp cổ bé họng?

Nhưng ông Đ. cũng quên rằng, người dân có cách đòi của người dân. Thậm chí, ông Đ. lúc bí muốn nhờ Chủ tịch xã làm nơi trú ẩn, làm nơi hòa giải, vẫn to mồm "tôi không cầm tiền".

Trước áp lực của lối xóm, của cộng động xã hội, hành vi muốn quỵt tiền của ông Đ. đã không thành.

682 triệu đồng là một khoản quá lớn với chị Chung, mà chị từng phải dành dụm bao nhiêu năm, phải vay mượn bà con để đưa nhiều đợt cho ông Đ. Ngược lại, từng là phó Công an huyện, chắc chắn ông Đ. có nhiều, rất nhiều tiền so với người phải đi làm giúp việc cho gia đình mình.

Vậy mà, ông ta vẫn định chiếm đoạt tiền của chị Chung. Về hành vi này, ông Đ. liệu có bị xử lý hình sự không thì chưa biết, nhưng suốt đời sẽ bị nguyền rủa. Đó mới là bản án nặng nề nhất với đối tượng này.

Chính ông Nguyễn Quốc Chương Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương) cho biết: "Chúng tôi đã khuyên nhủ, vận động ông Đ. về nhà suy nghĩ cho kỹ, khai báo đúng sự việc".

Bóp họng người nghèo - Ảnh 2.

Niềm vui của chị Chung sau khi đòi lại được tiền từ nguyên phó công an huyện.

Tương tự, tính chất tham lam của người có chức, hiểu biết pháp luật với người từng làm giúp việc cho nhà mình trong vụ việc này, cũng biểu hiện rõ ở vụ án đòi hủy hợp đồng mua bán đất khiến vợ bị đơn nhảy lầu tự tử gây bão dư luận vừa qua.

Ông Phan Quý đã bán 3 mảnh đất cho 3 người vào năm 2002 và 2009, đã nhận tiền đủ vào các năm 2002 và 2011. Sau đó ông Lê Văn Dư (một trong 3 người đã mua mảnh đất trên) đã mua lại của hai người còn lại. Tổng diện tích ông Dư sau mua gom là 674 m2.

Nhưng đột nhiên, đến năm 2019, ông Quý khởi kiện ra tòa để đòi hủy cả 3 hợp đồng mua bán vì cho rằng hợp đồng chưa có hiệu lực và đòi công nhận diện tích đất đã bán vẫn thuộc quyền sử dụng của mình (!?).

Trong phạm vi bài này, người viết không luận bàn đúng sai của bản án (hiện giám đốc thẩm mới tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm).

Nhưng điều cần nói là, ông Quý từng là cán bộ tư pháp, am hiểu pháp luật, nhưng chính ông lại làm những hợp đồng vi phạm cả hình thức lẫn nội dung. Cũng chính ông không thực hiện những cam kết là khi có giấy tờ sử dụng đất sẽ tách thửa cho người mua. Phải chăng, lợi dụng sự hiểu biết pháp luật, ông Quý định "đòi" lại mảnh đất đang lên giá? 

Nói với báo chí sau bản án phúc thẩm, đẫm trong nước mắt, ông Dư cho biết: "Tôi quỳ lạy ông bà (vợ chồng ông Quý -  pv) để cho tôi ở, làm ăn nuôi con nhưng ông không chịu. Hai vợ chồng tôi làm dư được nhiều lắm trăm mấy, còn tất cả phải vay mượn. Nhà cửa ở quê đã cầm cố hết rồi. mẹ tôi năm nay gần 90 tuổi rồi, hàng xóm cứ sang hỏi, bà khóc miết thôi."

Còn bà Trần Thị Mỹ Hiệp (vợ ông Dư, người đòi nhảy lầu) nói: "Đất đó là nhà tôi vay tiền để mua, đã trả đầy đủ, có giấy tờ đàng hoàng. Gia đình tôi có làm cả đời cũng không thể trả hết nợ, tôi chỉ mong có một ngôi nhà cho chồng con tôi ở. Chồng tôi ngày xưa cũng đã đi giúp việc cho nhà ông Quý mà, sao lại đối xử như vậy?".

Dẫu biết rằng, có những kẻ tham lam vô độ, nhưng dư luận vẫn không khỏi ghê sợ những đối tượng cậy quyền cậy thế, đang tâm bóp hầu bóp họng những người rất nghèo, kể cả họ từng phải làm người giúp việc cho chính mình.

Không chỉ là chuyện tuân thủ pháp luật, mà lẽ sống đúng đắn ở đời là phải nương vào đạo lý, ăn ở có nhân có quả, song chính những người hiểu biết pháp luật nhất lại bất chấp tất cả, hỏi sao không khiến dư luận phẫn nộ, tái tê?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem