Cà Mau: Vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trồng dưa lưới công nghệ cao, nuôi thủy sản, con đặc sản, thu tiền tỷ

Chúc Ly Thứ tư, ngày 13/01/2021 09:34 AM (GMT+7)
Tại tỉnh Cà Mau, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đạt trên 42 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân đang cấp vốn thực hiện được 230 dự án. Trên địa bàn tỉnh đang có 4.665 hộ hội viên, nông dân vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn nhàn rỗi.
Bình luận 0

Vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện 230 dự án

Thực hiện đề án "Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2014 - 2020", 7 năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân dân tỉnh Cà Mau xác định rõ về hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) là giúp đỡ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo; nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp…

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Cà Mau đã xây dựng, ban hành và thực hiện đề án hoạt động Quỹ HTND năm 2014 – 2020.

Kết quả đến thời điểm này, Quỹ HTND toàn tỉnh vượt chỉ tiêu đề án đề ra. Hiện nay tổng nguồn vốn Quỹ trên 42 tỷ đồng, thực hiện được 230 dự án, cho 4.665 hộ hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn nhàn rỗi.

Cà Mau: Nhờ nguồn vốn Hội, nhiều nông dân thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Cà Mau: Nhờ nguồn vốn Hội, nhiều nông dân thu tiền tỷ - Ảnh 2.

Dự án trồng dưa lưới trong nhà màng với hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel, tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Thành, TP.Cà Mau, sử dụng vốn từ Quỹ HTND với số tiền là 800 triệu đồng (cho 8 hộ vay). Ảnh: Chúc Ly.

Trong xây dựng mô hình dự án từ Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội các cấp tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ Hội nghề.

Ngoài ra, theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, trước khi triển khai mô hình dự án, các cấp Hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dịch vụ vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Từ đó các mô hình dự án được tiếp cận từ nguồn vốn Quỹ HTND đạt hiệu quả khá cao và được nhân rộng.

Đến nay từ các mô hình dự án của Quỹ thành lập được 230 tổ hợp tác, 17 hợp tác xã, 591 tổ Hội nghề nghiệp, 13 chi Hội nghề nghiệp.

Nhiều nông dân thu tiền tỷ

Đặc biệt, nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả cao được nhân rộng như: Nuôi nuôi sò huyết thương phẩm, nuôi cua thương phẩm, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi cá chình cá bống tượng, nuôi cá đồng, trồng màu, trồng dưa lưới... có nhiều hộ thu nhập đạt 1 tỷ đồng/năm.

Đến ấp Má Tám, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, chúng tôi có dịp gặp gỡ với các tổ viên trong tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm. Mô hình đã giúp cho cuộc sống của nhiều hộ dân trở nên khấm khá. Đây cũng là dự án sử dụng vốn từ Quỹ HTND tỉnh, với số tiền 300 triệu đồng cho 15 hộ vay.

Ông Nguyễn Mai Hằng, tổ trường tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm ấp Má Tám, cho hay: "Trước khi thực hiện dự án, kinh tế của nông dân gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn sản xuất, chưa được tiếp cận khoa học - kỹ thuật. Từ khi Hội tổ chức xây dựng mô hình dự án, hoạt động sản xuất của bà con có nhiều khởi sắc, lợi nhuận từ đó cũng tăng lên".

Cà Mau: Nhờ nguồn vốn Hội, nhiều nông dân thu tiền tỷ - Ảnh 3.

Mô hình nuôi sò huyết thương phẩm tại ấp Má Tám, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, sử dụng nguồn vốn từ Quỹ HTND, mang lại hiệu quả tích cực. Ảnh: Chúc Ly.

Theo bà Trần Thị Quyết – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, trong quá trình thực hiện đề án, Ban Thường vụ Hội các cấp đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Ban Vận động trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm để tiếp nhận được nguồn vốn ủy thác. Đồng thời, gắn kết giữa việc cho vay vốn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Ngoài ra, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND của Hội cấp trên đối với Hội cấp dưới. Phát huy vai trò của Trưởng ấp trong phối hợp thực hiện hoạt động vay vốn tại cơ sở, nhất là công tác tham gia họp bình xét tại chi Hội", bà Quyết cho biết.

Tuy nhiên, theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, do nguồn vốn Quỹ HTND vẫn còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng được phần nhỏ trong tổng nhu cầu cần vốn của hội viên, nông dân. Một số huyện, cơ sở từng thời điểm chưa quan tâm sâu sát trong nhiệm vụ tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban vận động Quỹ HTND về tuyên truyền, vận động Quỹ, nên kết quả từ nguồn vốn ngân sách cấp vẫn còn ít...

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Cà Mau xác định, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện có hiệu quả Kết luận 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg trong cán bộ, hội viên, nông dân. Chỉ đạo các cấp hội tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, mở rộng quy mô vốn, đổi mới nội dung hoạt động của Quỹ, đảm bảo nguồn vốn được bảo toàn và phát triển, hỗ trợ có hiệu quả nhu cầu vốn của hội viên, nông dân.

Năm 2020 tỉnh Cà Mau được Ban thường vụ Trung ương Hội hỗ trợ cho dự án xây dựng Chi Hội nghề nghiệp Tại ấp Ông Muộn, Xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau giai đoạn 2010 – 2023. Trong năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề án tiêu chí 3 trong 1 đó là chi hội nông dân nghề nghiệp, Hợp tác xã, doanh nghiệp.

Hiện tại mô hình này rất hiệu quả, thời gian tới là 5 trong 1: Thành lập tổ Đảng, tổ trưởng tổ Đảng, Chi hội nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện tại mô hình này đang vận động kết nạp thêm hội viên vì sản phẩm lúa tôm đã có thương hiệu, nông dân không đủ để tiêu thụ trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem