Không lấy phiếu tín nhiệm với các nhân sự lãnh đạo cấp cao được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sau ngày 1/1/2023

PVCT Thứ ba, ngày 05/09/2023 15:52 PM (GMT+7)
Với quy định mới, Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện khóa này không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm từ 1/1/2023 trở lại đây, chỉ lấy phiếu tín nhiệm với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm trước ngày 1/1/2023.
Bình luận 0

Ngày mai (6/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Hội nghị diễn ra tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Hà Nội), kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.

Không lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch UBND quận tại TP.HCM, Đà Nẵng

Trong tham luận phục vụ sự kiện này, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ những điểm mới của Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Không lấy phiếu tín nhiệm với các nhân sự lãnh đạo cấp cao được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sau ngày 1/1/2023 - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh QH

Theo Ban Công tác đại biểu, so với Nghị quyết số 85 ban hành năm 2014, đối tượng do Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được bổ sung thêm chức danh Tổng Thư ký Quốc hội.

Đối tượng do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã bỏ chức danh Ủy viên Thường trực của HĐND. Nghị quyết số 96 cũng không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã.

Đây là điểm khác biệt so với Nghị quyết số 85 quy định lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã)

Nghị quyết số 96 cũng sửa đổi quy định về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm.

Với quy định mới, Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ này không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm từ 1/1/2023 trở lại đây, chỉ lấy phiếu tín nhiệm với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm trước ngày 1/1/2023. (Đối với nhân sự lãnh đạo cấp cao, tính từ đầu năm 2023 tới nay, có chức Chủ tịch nước, chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính –Ngân sách của Quốc hội được bầu sau ngày 1/1/2023; Hai Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được phê chuẩn bổ nhiệm sau ngày 1/1/2023 -PV).

Theo Ban Công tác đại biểu, Nghị quyết 96 đã bãi bỏ điểm đ khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 131 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Theo đó, không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch UBND quận tại và TP.HCM và TP Đà Nẵng vì đây là chức danh do Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm.

Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 96, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6 (dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023) và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem