Một nơi ở Hà Tĩnh, đi cắt thuê thứ đại bổ trên đầu con vật nuôi xưa là động vật hoang dã kiếm tiền triệu

Thứ tư, ngày 14/02/2024 05:48 AM (GMT+7)
Mùa Xuân đến, khắp các vùng quê huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), người dân lại bước vào mùa thu hoạch nhung hươu. Vài năm trở lại đây, dịch vụ cắt nhung thuê ra đời, và người làm công kiếm bộn tiền vào mùa cắt lộc nhung.
Bình luận 0

Mùa Xuân đến, khắp các vùng quê huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), người dân lại bước vào mùa thu hoạch nhung hươu. Vài năm trở lại đây, dịch vụ cắt nhung thuê ra đời, và người làm công kiếm bộn tiền vào mùa cắt lộc nhung.

Rộn ràng mùa cắt lộc nhung

Anh Nguyễn Hồng Quân, người cắt nhung thuê ở xã Sơn Trung (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, giá cắt thuê mỗi cặp nhung dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, đội cắt nhung của anh cắt từ 5-10 cặp.

Đội quân này thường thì 3 người, có đội chỉ 2 người. Các thành viên của đội phải đạt yêu cầu về sức khỏe, nhanh nhẹn... 

Đặc biệt, phải có kỹ năng giữ hươu, vật hươu ngã xuống để cắt, nhằm tránh cho hươu không bị thương, nhung hươu không bị gãy trong quá trình cắt; biết cách lấy một lượng huyết phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho hươu.

Theo anh Quân, hầu hết các xã đều có đội cắt nhung hươu thuê. Những xã có lượng đàn hươu nhiều như Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Châu, Sơn Kim 2... có khi lên tới 2 - 3 đội.

Đồ nghề của đội cắt nhung rất đơn giản, gồm: một sợi dây dù được buộc thắt nút thòng lọng để giật và giữ chân phía sau của hươu, một lưỡi cưa (thường là lưỡi thép loại nhỏ), một miếng ván có đóng vòng thép để giữ cho đầu hươu cố định trong quá trình cắt, một cây sào nứa hoặc nhành cây để đưa dây thòng lọng vào chuồng cho hươu giẫm vào.

Với những người có kinh nghiệm, thời gian để cắt một cặp nhung cho một con hươu chừng 15 phút. Hươu sau khi cắt xong nhung sẽ được người cắt buộc lại cẩn thận để cầm máu.

Một nơi ở Hà Tĩnh, đi cắt thuê thứ đại bổ trên đầu con vật nuôi xưa là động vật hoang dã kiếm tiền triệu- Ảnh 1.

Cặp nhung hươu 75 ngày tuổi tại trang trại chăn nuôi hươu xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Sỹ Thông

Ông Trần Thống, xã Kim Hoa, nuôi tới 8 con hươu lấy lộc. Trước đây, mỗi lần cắt nhung, nhà ông phải mượn người dân trong xóm. Tuy nhiên, việc mượn người cũng khó do họ bận đi làm, trong khi khách đã hẹn theo giờ lấy lộc, quá trình cắt, người này chờ người kia rất lâu.

Giờ đây có dịch vụ cắt nhung hươu này, ông Thống thấy rất tiện, chỉ cần hẹn trước là có đội đến cắt ngay, giá cả cũng hợp lý.

“Mỗi ngày, đội của tôi thường cắt từ 7 đến 10 cặp, vào chính vụ sẽ nhiều hơn. Chúng tôi không chỉ cắt nhung ở các xã trên địa bàn Hương Sơn mà còn sang cả Vũ Quang, hay xuống Đức Thọ” - anh Lê Anh Tuấn, một người làm dịch vụ cắt nhung hươu ở xã Quang Diệm, chia sẻ.

Anh Tuấn cũng cho biết, trong quá trình cắt, gặp cặp nhung đã đến tuổi phải cắt nhưng chủ nhà chưa có khách mua, nếu giá hợp lý thì đội cắt nhung sẽ mua sau đó bán lại cho những người có nhu cầu.

“Nếu người nuôi hươu có nhu cầu sau khi cắt cần tiêm phòng sức khỏe cho hươu, chúng tôi cũng đáp ứng luôn. Đội cắt nhung của chúng tôi có người là bác sĩ thú ý” - anh Tuấn nói.

Một đội cắt nhung gồm 3 người, trung bình mỗi ngày cắt 8-10 cặp. Tính ra mỗi ngày, các thành viên thu nhập từ 600.000-800.000 đồng/người.

Làm giàu từ nghề nuôi hươu

Nghề này vui vì sau khi cắt nhung xong thì luôn được chủ nhà thết đãi, thường là rượu huyết với lạc rang, trứng vịt lộn. 

Có gia đình còn làm cả thịt gà để đãi khách mua nhung và người cắt. Gặp chủ nhà hào phóng, gặp khách mua nhung dễ tính, lại mua được cặp nhung ưng ý thì đội cắt nhung có khi còn được cho thêm”, anh Quân hóm hỉnh.

Hươu sao là vật nuôi chủ lực của người dân ở huyện Hương Sơn. Trước đây, nhung hươu thường xay nhỏ, hoặc sấy khô tán bột để nấu cháo hoặc thái nhỏ ngâm rượu.

Nay người dân Hương Sơn đã chế biến ra nhiều sản phẩm từ nhung hươu mang tính tinh chế và tiện lợi hơn, như nhung hươu bột ở dạng hòa tan, cao nhung hươu, cao đế hươu... Nhiều sản phẩm trong đó đã có thương hiệu và được đăng ký OCOP.

Theo Đông y, nhung hươu có tác dụng là bồi dưỡng sức khỏe, tăng sức đề kháng, đặc biệt tốt với người già, người mới ốm dậy, người có thể trạng yếu, trẻ em coi cọc và phụ nữ sau sinh.

Theo UBND huyện Hương Sơn, trong vài năm tới, số lượng đàn hươu sẽ tăng cao; đồng thời sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới được chế biến từ nhung hươu.

Đàn hươu ở Hương Sơn hiện nay gần 50.000 con, sản lượng nhung thu hoạch hằng năm ước đạt gần 20 tấn (tương đương 300 tỉ đồng). 

Nhung hươu không chỉ là sản phẩm chủ lực ở Hương Sơn mà còn là sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung. 

Cứ vào xuân là thời điểm đầu của mùa thu hoạch nhung và kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Mùa “hái lộc” này, người dân Hương Sơn ước thu về khoảng 150 tỉ đồng từ nhung hươu.

Sỹ Thông (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem