Chạy xe ôm công nghệ, taxi công nghệ không còn… dễ ăn

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 20/06/2022 13:28 PM (GMT+7)
Giá xăng tăng liên tục, bào mòn thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ, taxi công nghệ. Đó là chưa kể chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng cao. Điều này khiến nhiều tài xế thấy rằng việc chạy xe công nghệ không còn… dễ ăn như trước.
Bình luận 0

Nhiều tài xế xe công nghệ, nhất là taxi công nghệ tại TP.HCM những ngày qua đã tạm thời tắt app (ứng dụng) để né "bão" giá xăng, khi giá xăng RON 95 vượt 32.000 đồng/lít. Dự kiến, tại kỳ điều chỉnh ngày mai 21/6, giá xăng có thể sẽ tiếp tục tăng…

Chạy xe công nghệ không còn dễ ăn

Cách đây 3-4 năm, anh Nguyễn Văn Hưng (ngụ huyện Hóc Môn) rất hào hứng với công việc là tài xế xe ôm công nghệ, vì thu nhập ổn. 

Anh ra khỏi nhà từ sáng, chuyến cuối trở về cũng khá muộn. Anh gọi đó là chịu khó chạy, ứng dụng "nổ" (báo có khách đặt xe) liên tục thì thu nhập mỗi tháng cũng được hơn chục triệu đồng, sau khi trừ chi phí xăng, chiết khấu cho hãng. Anh cho rằng mức thu nhập này tính ra cũng khá, có thể nuôi được gia đình.

"Mà khi đó, giá xăng chỉ khoảng 20.000 đồng/lít, còn bây giờ đã hơn 32.000 đồng/lít. Chiếc xe Wave của tôi trước đây đổ đầy bình chỉ 50.000 - 60.000 đồng, 2 tháng trước tăng lên 75.000 đồng và lần đổ mới đây là 90.000 đồng. Khách gọi xe bây giờ cũng giảm. Nghề này không còn dễ ăn như trước", anh Hưng nói.

Chạy xe ôm công nghệ, taxi công nghệ đã không còn… dễ ăn - Ảnh 1.

Giá xăng tăng "bào mòn" trực tiếp thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ, taxi công nghệ. Ảnh: Hồng Phúc

Đặc thù của nghề xe ôm công nghệ là chạy xe suốt ngoài đường để chở khách, giao thức ăn và hàng hóa. Do đó, giá xăng tăng "đánh" ngay vào thu nhập của tài xế. Theo anh Hưng, nhiều người đã tạm tắt app vì cho rằng giá xăng "bào mòn" vào thu nhập quá sâu, chưa kể TP.HCM đang bước vào mùa mưa, ngập nước khiến xe cộ hư hỏng.

Dù các hãng chưa thông tin về số lượng tài xế nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc những ngày gần đây vì giá xăng tăng, nhưng nhiều khách hàng đã phản ánh họ khó đặt được xe công nghệ, nhất là vào giờ cao điểm. 

Nhiều tuyến đường tập trung tài xế xe ôm công nghệ ở TP.HCM như Phan Xích Long, Sư Vạn Hạnh, Lý Tự Trọng… cũng ít còn thấy cảnh tài xế nhộn nhịp ngồi chờ khách.

Anh Hoàng Nam (tài xế GrabCar) cho biết, các tài xế xe 4 bánh mới cảm nhận rõ giá xăng tăng như thế nào. "Mỗi lần đổ xăng là tôi lại tiếc. Bây giờ, tôi giảm tần suất chạy để duy trì app hoạt động, phần thời gian còn lại, tìm kiếm một công việc khác để có thêm tiền", anh Nam nói.

Chật vật giữ chân, tuyển tài xế mới

Trong khi đó, về phía ứng dụng gọi xe, các hãng cũng thừa nhận giá xăng tăng liên tục thời gian qua, khiến tài xế gặp nhiều khó khăn.

"Theo ghi nhận của chúng tôi, chi phí hoạt động của các đối tác tài xế tăng trung bình 10-15% liên quan đến giá xăng", đại diện Gojek Việt Nam nói với Dân Việt và đánh giá rằng giá xăng liên tục tăng ảnh hưởng đến chi phí hoạt động và sinh hoạt của các tài xế. 

"Tổng hợp yếu tố xăng tăng giá và mất cân bằng cung cầu cục bộ, thời gian qua chúng tôi đã liên tục đưa ra các điều chỉnh trong chính sách giá, chính sách ưu đãi và tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ đối tác tài xế, nhằm đảm bảo thu nhập cho các tài xế, đồng thời ổn định nguồn cung để phục vụ người tiêu dùng", phía Gojek nhận định.

Chạy xe ôm công nghệ, taxi công nghệ đã không còn… dễ ăn - Ảnh 3.

Các hãng xe công nghệ đang tìm nhiều cách tăng ưu đãi để giữ chân và tuyển mới tài xế. Ảnh: H.Phúc

Ông Nguyễn Việt Linh - Giám đốc Truyền thông hãng gọi xe Be đánh giá: Sức ép giá xăng tăng khiến hoạt động của đối tác tài xế gặp nhiều khó khăn. Nhưng về phía ứng dụng, họ cũng không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.

Trước mắt, hãng này quyết định duy trì giữ mức giảm chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Chương trình cũ dự kiến kéo dài đến 16/6, nhưng do tình hình giá xăng vẫn leo thang nên hãng quyết định duy trì mức giảm chiết khấu 10% này.

Trong khi đó, Grab quyết định dành khoản ngân sách 6,3 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ tài xế, trong đó, có chương trình tặng phiếu xăng miễn phí cho tài xế 4 bánh đạt thứ hạng vàng và bạch kim.

Theo các ứng dụng, nhu cầu sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ cho việc vận chuyển, giao nhận thức ăn tăng khiến chênh lệch cung - cầu, nên có hiện tượng khách khó đặt xe. 

Bên cạnh giữ chân tài xế trước áp lực giá xăng, các hãng cũng đang tăng cường đưa ra các chính sách ưu đãi và chương trình phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút tuyển dụng tài xế mới để đảm bảo nguồn cung, phục vụ nhu cầu người dùng.

Tuy nhiên, về phía tài xế, nhiều người cho biết họ cần được hỗ trợ hơn về mức chiết khấu, giá cước cũng như một số phúc lợi khác để có thể đảm bảo thu nhập trong giai đoạn "bão giá" hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem