Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Nghệ An: "Luật sư làm gì có ai cầm súng đi thị uy thế!"

Ngọc Thọ Thứ hai, ngày 07/03/2022 10:17 AM (GMT+7)
Luật sư Hồ Xuân Hợp - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An chia sẻ quan điểm về vụ việc "xưng luật sư, rút súng thị uy giữa văn phòng công chứng" với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Clip Hồ Văn Nam tiếp tục ra ngoài đường lên đạn.

Liên quan tới vụ việc "xưng luật sư, rút súng thị uy giữa phòng công chứng", Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An - Luật sư Hồ Xuân Hợp nói ngay: "Hồ Văn Nam không phải luật sư. Hồ Văn Nam không có trong danh sách luật sư. Nói Hồ Văn Nam là luật sư là ảnh hưởng, phương hại tới uy tín của Liên đoàn Luật sư nói chung, Đoàn Luật sư Nghệ An nói riêng".

"Luật sư nào đi cầm súng và ai làm như thế" - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Nghệ An Hồ Xuân Hợp.

Trước đó, bà Trần Thị Hóa (Thái Hòa, Nghệ An) được cho là có mua lô đất ở diện tích 817m2 (xã Nghĩa Thuận) của ông Nguyễn Văn Kỳ (trú xóm 7A, xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn). Bà Hóa có thỏa thuận bán lại lô đất trên cho bà Quế Thị Thơm (trú xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn).

Hai bên thống nhất đến Văn phòng công chứng LVT tại thị trấn Nghĩa Đàn để làm các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng lô đất.

Công an vào cuộc vụ xưng "luật sư" tư vấn luật, rút súng thị uy, xé sổ đỏ giữa phòng công chứng - Ảnh 2.

Hồ Văn Nam lên đạn cành cạch thị uy giữa đám đông. Ảnh cắt từ clip.

Khoảng hơn 16 giờ cùng ngày, thay vì cùng làm thủ tục chuyển nhượng như đã thống nhất, thì bà Thơm gọi cho bà Bạch Hưng (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cùng một tốp người nữa đến văn phòng công chứng.

Tại đây, khi bà Hóa đưa bìa đỏ cho nhân viên văn phòng công chứng để làm thủ tục, thì bà Hưng giật lấy. Bà Thơm cũng giành lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thấy thế, ông Nguyễn Cảnh Sơn, chồng bà Hóa nắm tay bà Thơm để lấy lại sổ đỏ.

Công an vào cuộc vụ xưng "luật sư" tư vấn luật, rút súng thị uy, xé sổ đỏ giữa phòng công chứng - Ảnh 3.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị xé.

Ngay lúc này, một người đàn ông xuất hiện, bị tố là rút súng dí vào người ông Sơn hòng cho bà Thơm xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người này được cho là Hồ Văn Nam. Hình ảnh ghi lại cho thấy ông Hồ Văn Nam sau đó còn ra ngoài đường, kéo súng lên đạn cạch cạch hòng thị uy trước đám đông.

Ông Hồ Văn Nam còn nói miệng "được ủy quyền bảo vệ 24/24h".

Điều 55, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (Luật số 14/2017/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 và thay thế Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 07/2013/UBTVQH13. Trong đó, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ là đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo Nghị định 79/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì tất cả các đối tượng được giao sử dụng công cụ hỗ trợ bắt buộc phải qua đào tạo, huấn luyện và cấp phép.

Đặc biệt, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi, khi sử dụng phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho phép và ghi vào hồ sơ, sổ sách theo dõi; sau khi sử dụng phải bàn giao cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ để bảo dưỡng, bảo quản và ký nhận vào sổ theo dõi.

Như vậy, việc đối tượng mang súng tới phòng công chứng, lên đạn thị uy nơi công cộng là hoàn toàn không được phép.

Ví dụ khi tham gia ký kết hợp đồng bảo vệ với các tòa nhà, các khu vực thì cá nhân làm nhiệm vụ bảo vệ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong phạm vi đó và việc sử dụng công cụ hỗ trợ liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ. Nếu việc sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài phạm vi hoạt động của doanh nghiệp thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.

Còn nếu sử dụng công cụ hỗ trợ đe dọa tính mạng người khác, làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện thì xử lý về tội Đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem