Chủ tịch Quốc hội: Xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 09/05/2023 10:42 AM (GMT+7)
Ngày 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thường kỳ lần thứ 23 là phiên họp cuối cùng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, dự kiến sẽ khai mạc ngày 22/5 tới. Dự kiến chương trình của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài trong 4 ngày làm việc từ 9/5 đến 12/5 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội: Xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội; xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết để Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về dự án luật rất quan trọng này. Theo Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã có trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Dự kiến tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1/2 ngày làm việc để tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung quan tâm cho ý kiến những nội dung lớn như chủ trương thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW về các chính sách pháp luật về đất đai hiện nay, cũng như một số vấn đề lớn, khó như vấn đề về tài chính đất đai và phương pháp định giá đất; việc sửa đổi các luật khác có liên quan như thế nào nhất là các dự án luật đang được trình Quốc hội để bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các nội dung căn cứ vào thực tiễn hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng hiện nay, việc tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo; quản lý tài sản đảm bảo; vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát; những nội dung cần luật hóa từ Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh xuất cảnh quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là dự án nhận được sự quan tâm của công dân Việt Nam ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua theo thể thức rút gọn nên càng phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan đóng góp thêm ý kiến sâu về dự án luật này để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất nhập cảnh vào Việt Nam trong quan hệ với nước ngoài, vừa đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 và Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do Hội đồng nhân dân bầu phê chuẩn vào các kỳ họp cuối năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về quyết định vấn đề quan trọng, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội về việc xem xét tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định cho ý kiến đối với 3 nội dung thuộc thẩm quyền bao gồm: dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030 nhằm tiếp tục triển khai thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ theo từng giai đoạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng kinh phí để mua bù một số mặt hàng trong dự trữ quốc gia; và xem xét báo cáo công tác dân nguyện Quốc hội tháng 4.

Gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

Tại báo cáo Thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022 nước ta đối diện với nhiều biến động nhanh, phức tạp, tiêu cực của tình hình thế giới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh",  góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. 2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm 1 chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,5%. Tăng trưởng GDP giảm tốc đáng kể trong quý IV do xuất khẩu sụt giảm và sản xuất công nghiệp tăng thấp  khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Chủ tịch Quốc hội: Xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội

Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Nhiều giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được thực hiện tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Cụ thể, tăng trưởng GDP Quý I/2023 thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Cần điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ.

Ngoài ra, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem