Chùa Nôm: "Báu vật cổ xưa" của vùng đất văn hiến
Chùa Nôm: "Báu vật cổ xưa" của vùng đất văn hiến
Thứ năm, ngày 11/11/2021 15:27 PM (GMT+7)
Tọa lạc tại xã Đại Đồng, chùa Nôm có tên chữ là Linh Thông cổ tự, nằm trong quần thể di tích làng Nôm. Cùng với cầu đá và làng Nôm, ngôi chùa tạo nên một không gian yên bình, trầm mặc, mang đậm nét văn hóa vùng quê Bắc Bộ.
Cách Hà Nội khoảng 30 km, chùa Nôm thuộc địa phận làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Tam quan chùa Nôm nằm dưới những bóng cây cổ thụ tạo nên vẻ trầm mặc, thanh bình. Hình ảnh ghi lại vào chiều ngày 11/11.
Theo truyền thuyết, chùa Nôm được xây dựng giữa rừng thông cổ thụ, có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh thông cổ tự. Không ai nhớ chính xác sự ra đời của ngôi chùa, chỉ biết rằng trên hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại rằng Thời Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà Vua đã cho xây dựng lại chùa này. Trải qua bao biến cố, chùa được trùng tu nhiều lần và trở thành ngôi chùa khang trang như ngày nay.
Được thiết kế cầu kỳ với kiến trúc cổ đại, hiện nay chùa Nôm đang là một trong những khu di tích lịch sử lâu đời và linh thiêng nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Một điều đặc biệt, thu hút khách thập phương về chiêm bái tại chùa, là hệ thống tượng cổ được tạc bằng đất. Theo Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, chùa Nôm được công nhận là “ngôi chùa có nhiều tượng đất cổ nhất Việt Nam” với 122 pho tượng phật lớn, nhỏ làm bằng đất. Các pho tượng ở đây được tạc theo hình dáng, kích thước, tư thế, màu sắc vô cùng phong phú, đa dạng, đều ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất với đủ các tư thế mập, ốm, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên… với nhiều kích cỡ khác nhau
Không chỉ đặc sắc ở hệ thống tượng, nét đẹp Chùa Nôm còn ở vẻ rêu phong, cổ kính của từng hạng mục công trình với họa tiết trang trí tinh tế, tài hoa và tâm huyết của các nghệ nhân dân gian.
Du khách đến đây có thế thấy vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của chùa với lầu chuông, gác trống, những cây cổ thụ rợp bóng mát, với mái chùa in bóng xuống hồ nước long lanh.
Các họa tiết trang trí dù là gỗ, hay xây vữa đều tinh xảo, mềm mại.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chùa hạn chế đón khách, vì thế ngôi chùa càng trở nên tĩnh lặng giữa cuộc sống đời thường.
Nằm cạnh chùa Nôm là Chợ Nôm - khu chợ giản dị, không bê tông cốt thép, trước đây là khu chợ sầm uất nhất vùng. Chợ họp mỗi tháng 12 phiên.
Khác với chợ ở thành phố, chợ Nôm họp bên trong những gian nhà xây gạch không trát vữa, màu gạch đỏ au.
Cầu đá làng Nôm như một biểu tượng của người dân làng Nôm. Các câu ca dao tục ngữ về làng Nôm xưa đều được gắn với cây cầu này.
Không chỉ mang giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc độc đáo, cầu đá cổ hơn 200 năm này được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của đồng bằng sông Hồng.
Cùng với sự phát triển và hội nhập của nền văn hóa đương đại, chùa Nôm cũng như rất nhiều các ngôi chùa khác ở làng quê Việt Nam đã và đang được bảo tồn, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần của người dân, đồng thời tạo đà cho nền văn hóa Việt Nam phát triển.
Viết Niệm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.