Chúng ta dứt khoát phải có điện hạt nhân, năm 2016 mới chỉ tạm dừng, chưa huỷ bỏ!
Chúng ta dứt khoát phải có điện hạt nhân, năm 2016 mới chỉ tạm dừng, chưa huỷ bỏ!
Nguyễn Tuyền
Thứ năm, ngày 07/11/2024 18:54 PM (GMT+7)
Giải trình về Luật Điện lực sửa đổi trước Quốc hội chiều nay 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định năm 2016 Quốc hội mới tạm dừng điện hạt nhân, chưa huỷ bỏ... chúng ta dứt khoát phải có điện hạt nhân vì nguồn điện đang thiếu.
Mở đầu phiên giải trình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần thiết phải sửa đổi và tên gọi của luật, bởi Việt Nam đã hội nhập với thế giới cho nên chúng ta phải có trách nhiệm nội luật hóa luật của mình sao cho phù hợp và tương thích với những điều ước quốc tế, tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung, đặc biệt là điện giữa Việt Nam với thế giới, đặc biệt là với khu vực.
Chúng ta dứt khoát phải có điện hạt nhân
Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách mới về vấn đề năng lượng, chúng tôi có đề cập đến 6 Nghị quyết của Đảng nhưng trên thực tế chúng ta cũng chưa kịp thời thể chế hóa trong các quy định của luật mà mới chỉ ban hành ở dạng Nghị định, thậm chí có những vấn đề là thông tư.
Ông Diên lập luận, hiện xu thế chung và với cam kết của chúng ta là đạt trung hòa carbon vào năm 2050 cho nên năng lượng tái tạo và những nguồn năng lượng mới chúng ta phải phát triển rất mạnh, trong khi đó năng lượng tái tạo chưa có quy định một cách cụ thể trong luật hiện hành, kể cả sửa đổi lần thứ tư cũng vậy cho nên nếu chúng ta không có quy định thì điều đó là rất gay. Hay vấn đề năng lượng mới, trong đó có hydrogen, amoniac xanh, thậm chí là điện hạt nhân.
Hai là, bổ sung những chính sách mới để phát triển những nguồn năng lượng mới, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, kể cả gió ngoài khơi, gió trên bờ, kể cả mặt trời áp mái và mặt trời tập trung hay phát triển những nguồn năng lượng mới như Hydrogen, Amoniac xanh, phát triển điện hạt nhân.
Theo ông Diên, đến năm 2030 chúng ta cần phải gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050, tức là còn 26 năm nữa, chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay. "Khi các nguồn điện truyền thống chúng ta không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng mặt trời cũng có giờ và nếu phải tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện cũng không phải rẻ hơn và cứ cho là có cả lưu trữ điện thì chúng ta cũng không thể nào tăng gấp 7 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo".
Ông Diên lập luận: Để thực hiện được trên thực tiễn thì ngay từ bây giờ trong luật chúng ta phải được đề cập.
“Những gì quy định được rõ trong luật thì ta quy định, nếu chưa rõ thì chúng ta trao quyền đó cho Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo, Chính phủ quy định và có những bước đi cụ thể. Có như vậy thì sau 10 năm chúng ta mới có những dự án điện hạt nhân”, Bộ trưởng Diên nêu.
Tư lệnh ngành Công Thương giải trình vì sao lật lại chủ trương đầu tư điện hạt nhân khi năm 2016 đã rút. “17 năm nay chúng ta đã quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Khi chưa có luật thậm chí chưa có Nghị định quy định cụ thể mà chúng ta đã quyết định”.
Ông này nhấn mạnh: Đến bây giờ cấp có thẩm quyền đã cho phép nghiên cứu để khởi động lại, cho nên phải đề cập trong luật lần này ít nhất một điều rằng nguồn điện đó, loại hình năng lượng đó được phép phát triển, còn những bước đi cụ thể sẽ giao cho Chính phủ.
Dự án điện khác với các dự án công nghiệp khác là bao giờ cũng phải đi trước một bước, thứ hai nữa là điện sản xuất ra phải có địa chỉ tiêu dùng chứ không phải phát triển ra xong như một số đại biểu bảo bỏ tù, đại biểu Tạ Văn Hạ nói đúng.
Trên thực tế có những dự án đã giao cho nhà đầu tư cả chục năm nay, thậm chí có dự án gần 20 năm nay nhưng họ có đủ lý do để chưa triển khai.
Như vậy, chúng ta đang thiếu điện là do các dự án trước đó không có cơ chế nào thu hút. “Chỉ áp dụng cơ chế chung đối với các dự án đầu tư, trong khi dự án điện là đặc thù, đã quy hoạch rồi thì phải làm. Đã giao thì phải làm, đã không làm được thì phải bị thu hồi, phải thế mới được, không lẽ cả đất nước này ngồi chờ một vài nhà đầu tư hay sao?”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
“Bằng chứng là chúng ta đã công bố quy hoạch điện VIII từ gần 1,5 năm nay, nhưng đến giờ này, các đại biểu ở đây đều là lãnh đạo, trực tiếp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở các địa phương thì thấy không có một nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án cả. Nguyên nhân bởi lẽ là không có những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách. Điều này là rất gay”, ông Diên phân tích.
Ông Diên nói tiếp: Trong khi đó chỉ còn 5,5 năm nữa thôi chúng ta phải tăng gấp 2 lần tổng công suất các nguồn điện, hàng năm nay chúng ta chỉ có 80.000 MW, tôi nói số tròn, mà trong 5,5 năm nữa chúng ta phải đạt tổng công suất các nguồn điện lên tới 150.500 MW.
“Nếu như chúng ta không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi thì chắc chắn không có nhà đầu tư vào, mà không có nhà đầu tư vào thì chúng ta không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước”, ông này nói.
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi một năm từ nay đến năm 2030 chúng ta cần khoảng 14 đến 16 tỷ USD, tương đương mức khoảng 320.000 đến 350.000 tỷ đồng Việt Nam, nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách thì không thể nào có nhà đầu tư, đây là một thách thức rất lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.