Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 1.

Mong muốn xây dựng thương hiệu trà đem lại lợi ích cho cộng đồng, trải qua gần hai thập kỷ xây dựng và phát triển, với phương châm "Sạch từ tâm – An cuộc sống", HTX chè La Bằng đã từng bước góp phần đưa thương hiệu xứ trà vươn tầm quốc tế.

Nói đến trà không thể không nhắc đến Thái Nguyên, địa phương có diện tích trà lớn nhất cả nước, được mệnh danh "đệ nhất danh trà". Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng khiến cho chè Thái Nguyên có những đặc trưng không lẫn với chè các vùng khác. Nước chè vàng óng, thoang thoảng hương cốm non, vị chát dịu và ngọt hậu rất lâu khiến người thưởng trà nhớ mãi.

Tiếp nối truyền thống làm chè nhiều đời của gia đình, đầu những năm 2006, bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc HTX chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết tâm xây dựng thương hiệu chè La Bằng để lan tỏa sản phẩm của quê hương đến đông đảo khách hàng gần xa.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 2.

Sản phẩm Đinh Tâm Trà của HTX chè La Bằng được Chính phủ lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017.

Thời điểm năm 2000, 2001, bà Hải bắt đầu tham gia Liên hiệp các HTX chè Tân Cương Thái Nguyên và là thành viên của HTX chè Tiến Thành. Ở thời điểm đó, sản phẩm chè của La Bằng chưa xây dựng được thương hiệu nhưng được tiêu thụ khá dễ dàng nhờ thông qua nhãn mác của Liên hiệp các HTX chè Tân Cương Thái Nguyên.

Nhận thấy sản phẩm của mình làm ra có chất lượng tốt nên bà Hải quyết định đổi tên sản phẩm thành chè La Bằng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gặp khó khăn do còn rất ít người biết đến thương hiệu này.

Sau nhiều đêm trăn trở để tìm hướng đi mới cho chè La Bằng, bà Hải quyết định kết hợp với 13 thành viên để thành lập HTX chè La Bằng vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ chỉ 60 triệu đồng.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 3.

Đến năm 2010, khi sản phẩm đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường, các thành viên HTX đã bàn bạc, quyết định đổi tên thành HTX chè La Bằng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chè La Bằng.

Năm 2012, HTX bắt đầu áp dụng sản xuất chè theo quy trình VietGAP và chuyển dần sang hướng hữu cơ. Thông qua các chương trình, các cuộc thi do địa phương tổ chức, HTX chè La Bằng đã giành nhiều thành tích nổi bật. Bên cạnh đó, HTX chè La Bằng còn vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh tế tập thể.

Năm 2017, HTX chè La Bằng vô cùng vinh dự khi sản phẩm Đinh Tâm Trà là một trong hai sản phẩm chè của Thái Nguyên được Chính phủ lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng.

Chủ tịch hội đồng quản trị - Giám đốc HTX chè La Bằng Nguyễn Thị Hải được vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020, Nghệ nhân chế biến chè cấp Quốc gia năm 2020.

img
img

Hiện HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè 30ha được trồng theo quy trình VietGAP và hữu cơ.

Hiện nay, HTX chè La Bằng có tổng diện tích chè 37ha, trong đó có 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 6ha được chứng nhận mã vùng trồng, 7ha chuyển đổi hữu cơ lần một. Ngoài 15 hộ thành viên, hiện HTX còn liên kết với gần 200 hộ dân sản xuất chè để cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX.

Với quy mô diện tích trên, trung bình mỗi năm HTX chè La Bằng sản xuất và bán ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô, mang về nguồn doanh thu 5,7 tỷ đồng trong năm 2022, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ người dân thay đổi nhận thức, sản xuất theo quy trình hữu cơ, tạo thành chuỗi liên kết giữa người nông dân với HTX để nâng cáo giá trị sản phẩm.

Một góc nhìn khác về tăng giá trị sản phẩm nhờ "thương hiệu" đó là câu chuyện của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên ở Thái Bình. 

Trải qua không ít nghề, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, đời sống khó khăn, năm 2018, anh Ngô Văn Duẩn, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) tham gia vào tổ hợp tác (THT) để xây dựng mô hình nuôi vịt biển. Lứa đầu đến thời kỳ xuất bán, các thành viên THT mang ra chợ bán và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Sau khi bán hết lứa vịt đầu, THT hạch toán doanh thu, sau khi trừ các chi phí, chia bình quân mỗi hộ nuôi vịt biển lãi 22 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao khá cao.

Sau đó, lượng khách tìm đến THT mua ngày càng nhiều, do đó anh Duẩn và các hộ trong THT đã nhân rộng mô hình, tăng đàn. Nhằm mở rộng quy mô thuận tiện trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, ngày 27/3/2019, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên được thành lập với 32 hộ thành viên (nay là 58 thành viên) do anh Ngô Văn Duẩn làm giám đốc được sự hỗ trợ và hướng dẫn của hội nông dân các cấp. 

Bên cạnh việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt, HTX lựa chọn vịt biển 15 Đại Xuyên làm sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu "Vịt biển Đông Xuyên", HTX còn cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, liên kết bao tiêu sản phẩm, giúp các thành viên thuận lợi trong sản xuất.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm và hội nhập - Ảnh 3.

Anh Ngô Văn Duẩn, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) kiểm tra đàn vịt biển. Ảnh: Nguyễn Chương.

Dù thành lập và đi vào hoạt động được 4 năm, nhưng nhờ sự năng động đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên đã mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể với khẩu hiệu sản xuất đến đâu hết hàng đến đó. 

Cụ thể, năm 2021 doanh thu của HTX là 32,37 tỷ đồng; lãi 3,516 tỷ đồng. Năm 2022 doanh thu của HTX là 33,36 tỷ đồng; lãi 5,37 tỷ. Năm 2023, dự kiến doanh thu của HTX sẽ là 34.339 tỷ đồng; lãi 5.405 tỷ.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 6.

Để sản phẩm vịt biển Đông Xuyên và trứng vịt biển Đông Xuyên có chất lượng, mang lại giá trị cao, được khách hàng đón nhận, ngay từ đầu HTX đã chủ động định hướng cho thành viên sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí. 

Ngoài quy trình chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình hướng dẫn, HTX còn bổ sung chế phẩm AM tỏi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào nước uống. 

Việc đưa vi sinh vào nước uống sẽ giúp hệ thống tiêu hóa của vịt tốt hơn, hấp thụ dinh dưỡng nhiều hơn. Ngoài ra, HTX còn đang dùng chế phẩm sinh học là vi sinh để đưa vào làm công thức tỏi mật ong dụng trong phòng bệnh cho vịt.

Do nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển đang rất cao nên HTX đã liên kết với 20 hộ trong và ngoài xã để chăn nuôi vịt biển, thường xuyên cung cấp sản phẩm cho HTX.

Năm 2020, trứng vịt biển được của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên được UBND tỉnh Thái Bình công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm này luôn trong tình trạng "cháy hàng và mới chỉ đáp ứng được 60% thị trường". 

Ngoài ra, trứng vịt biển Đông Xuyên còn được công nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình) chứng nhận.

img
img

Hiện, vịt biển Đông Xuyên và trứng vịt biển Đông Xuyên đã được UBND tỉnh Thái Bình công nhận sản phảm OCOP 4 sao. Ngoài ra, 2 sản phẩm này còn được công nhận danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021.

Từ khi vịt biển Đông Xuyên, trứng vịt biển Đông Xuyên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, giá trị sản phẩm được nâng cao, thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm vịt biển Đông Xuyên, trứng vịt biển Đông Xuyên có mặt tại các siêu thị, chuỗi nhà hàng tại nhiều tỉnh thành: Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng... qua các kênh bán hàng truyền thống và sàn thương mại điện tử.

Với cách làm bài bản từ khâu chọn con giống, thức ăn và áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP, mô hình chăn nuôi vịt biển của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên là hướng đi mới và có nhiều triển vọng, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp các thành viên HTX có thêm thu nhập ổn định.

Dự kiến năm 2024, HTX sẽ đẩy mạnh khâu sản xuất tăng trung bình khoảng 50% so với năm 2023.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 8.

Anh Tuấn từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính - Tín dụng, có công việc ổn định tại một ngân hàng lớn lại chọn cho mình một ngã rẽ khác. Với niềm đam mê nông nghiệp và mong muốn đem đến "bữa ăn sạch", an toàn cho người tiêu dùng, anh Lâm Ngọc Tuấn, sinh năm 1983, thường trú tại phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) đã mạnh dạn khởi nghiệp từ việc trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm và hội nhập - Ảnh 5.

Anh Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX được tôn vinh năm 2023 giới thiệu quy trình trồng rau công nghệ cao cho các dì, các chị cán bộ, hội viên phụ nữ TP.Thủ Đức. Ảnh: Mẫn Nhi

Căn cứ vào Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ về phát triển mô hình kinh tế tập thể, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Thủ Đức, cùng với việc phát động phong trào "Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng HTX kiểu mới", Công ty Tuấn Ngọc của anh Lâm Ngọc Tuấn và cộng sự đã bàn bạc, thảo luận và quyết định chuyển đổi mô hình thành HTX Tuấn Ngọc, chuyên trồng rau thủy canh công nghệ cao từ tháng 3/2019.

Từ khi thành lập, mô hình HTX giúp phát huy tốt việc đào tạo nhân viên, quản lý nhân sự và quảng bá tốt sản phẩm. HTX cũng giúp cho đơn vị kinh tế có điều kiện tham gia tốt hơn các hội nghị, triển lãm để giải quyết tốt đầu ra nông sản. So với loại hình doanh nghiệp, mô hình HTX có tính cộng đồng rất cao, từ tên gọi cho đến sản phẩm xuất phát từ HTX, tất cả tạo ra sự gần gũi đối với người tiêu dùng. Đặc biệt mô hình HTX đang được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa xây dựng được sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 10.

Thực tế cho thấy, bước đi táo bạo khi chuyển đổi mô hình hoạt động đã giúp HTX có những bước phát triển đáng kể. Đến nay, HTX Tuấn Ngọc đã sở hữu diện tích canh tác 10.500m2 và hiện tại đang mở rộng tại các tỉnh thành trong cả nước, với hơn 30 nhân viên đang làm việc đang làm việc tại các nông trại trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Hiện, HTX đang triển khai 03 nông trại tại phường Long Trường, Phú Hữu và Long Phước. Hợp tác xã có 8 thành viên, thu nhập bình quân từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Doanh thu trung bình mỗi năm của HTX lên đến 6 tỷ đồng.

Nói đến câu chuyện phát triển "thương hiệu" tương xứng tiềm năng, không thể không kể đến HTX nông nghiệp Dược liệu Queen Farm.

Từ một loại cây mọc dại ở nhiều nơi - cây rau má đã được HTX Dược liệu Queen Farm phát triển, xây dựng thành vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện vùng nguyên liệu của HTX không chỉ trồng rau má mà còn trồng nhiều loại cây dược liệu khác như tía tô, diếp cá… phát triển trên 200ha.

img
img
img

Hiện các sản phẩm của HTX nông nghiệp Dược liệu Queen Farm được nhiều đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao. Ảnh trên: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ấn tượng với sản phẩm chế biến từ rau má của Queen Farm.

Hiện nay, HTX đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân để trồng và nhập nguyên liệu rau má. Nhà máy chế biến đã đi vào hoạt động ổn định 2 năm nay. Nhờ đó, sản phẩm chế biến từ rau má đã được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Úc…

Năm 2021, HTX dược liệu Queen Farm vinh dự được UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa giao chủ trì dự án: "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Rau má xứ Thanh" cho các sản phẩm rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa" để nâng cao vị thế cho sản phẩm rau má tại tỉnh Thanh Hóa, nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường, được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, mang lại những lợi ích thiết thực. Đến nay, HTX đã quy hoạch được 90ha đất trồng rau má, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.

Thực tế cho thấy, bước đi táo bạo khi chuyển đổi sang mô hình chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ nông nghiệp, HTX đã có những sản phẩm có tiếng trên thị trường, có chỗ đứng trong lòng người dân, tạo sự uy tín đối với các cấp chính quyền. Doanh thu trung bình của HTX lên đến 16 tỷ đồng/năm.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 13.

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, "chắp cánh" cho các nông sản vươn xa. Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX, người nông dân xây dựng nhãn hiệu đã được ban hành, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu, tạo tính bền vững cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm và hội nhập - Ảnh 8.

Đến nay, sản phẩm của HTX chè La Bằng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng, mở rộng thị trường vươn tầm quốc tế là hai trong số những giá trị mà HTX chè La Bằng hướng tới. Chị Nguyễn Thị Hải - Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: Trải qua nhiều thế hệ, người làm trà ở La Bằng luôn có ý thức bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Sản phẩm trà của HTX đã được đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác, thu hút người tiêu dùng; có đầy đủ các thông tin cần thiết của sản phẩm; mã QR, mã vạch… bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và có mặt trên thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đến thời điểm hiện tại, HTX chè La Bằng có rất nhiều sản phẩm từ bình dân cho đến cao cấp. Trong đó, có 3 dòng sản phẩm chính là trà móc câu, trà tôm nõn và trà đinh.

HTX có Thanh Hải Trà đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022, và trong năm nay HTX có dự định sẽ thi nâng hạng lên 5 sao. Ngoài ra một số sản phẩm khác như Trà La Bằng, Trà Đại Từ cũng đạt danh hiệu sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2021, 2022. Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất thêm một số sản phẩm như bột matcha trà xanh, kẹo lạc trà xanh, hồng trà, trà 3 năm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng.

Trong các sản phẩm của HTX, sản phẩm đang có giá trị cao nhất đó là Đinh Tâm Trà được bán với giá 5 - 10 triệu đồng/kg. Còn sản phẩm thông dụng nhất hiện nay vẫn là dòng sản phẩm trà móc câu được bán với giá 300.000 – 500.000 đồng/kg. Tất cả các sản phẩm đều có nhãn mác, tem truy xuất cụ thể.

Cùng với HTX chè La Bằng, sản phẩm bột rau má, bột rau tía tô, bột cần tây,... của HTX nông nghiệp Dược liệu Queen Farm cũng là một minh chứng rõ nét cho hành trình nâng cao nhận thức xây dựng thương hiệu nông sản.

img
img

Để quảng bá sản phẩm của HTX, anh Tân đã mời hoa hậu Đỗ Thị Hà làm đại diện thương hiệu.

Anh Trần Văn Tân - Giám đốc HTX chia sẻ: Bên cạnh việc có được vùng nguyên liệu và dây chuyền sản xuất đi vào ổn định, anh triển khai dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu "Rau má xứ Thanh" từ rau má bản địa gắn với chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Ngay thời điểm đầu, sản phẩm cung cấp ra đã được thị trường đón nhận, đặc biệt là hệ thống nhà hàng, khách sạn. Để quảng bá sản phẩm, anh Tân đã mời hoa hậu Đỗ Thị Hà làm đại diện thương hiệu.

"Rau má - sâm của người xứ Thanh" dần được người trong tỉnh Thanh Hóa, trong nước biết đến và bắt đầu gây ấn tượng với người tiêu dùng nước ngoài. Nhiều đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Mỹ, Ấn Độ đã đến đặt hàng, trong đó có một đối tác Ấn Độ đặt 3.000-3.500 tấn rau má tươi mỗi năm để chiết xuất tinh dầu. Hiện các sản phẩm từ rau má của anh Tân cũng đã được công nhận OCOP 4 sao.

Những đầu tàu liên kết, "kéo" nông dân làm giàu: Chuyện giám đốc hợp tác xã làm thương hiệu (bài 3) - Ảnh 16.

Anh Trần Văn Tân tính, cây rau má sống được khoảng 10 năm mới phải trồng mới. Nếu nông dân tuân thủ đúng kỹ thuật, quy trình sản xuất sẽ cho 11 lứa rau má/năm, năng suất 45-50 tấn/ha. Trừ tất cả chi phí, sẽ có nguồn thu từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. Tính ra, trồng rau má cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa và các cây rau màu khác.

Hiện, HTX của anh Tân đang xúc tiến, kết nối nhiều hợp tác xã và nông dân để phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng vùng nguyên liệu rau má lên 300-500ha. Đây sẽ là vùng nguyên liệu đủ đáp ứng nhu cầu của các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ trong tương lai.

Anh Tân tâm niệm: "Mục đích của chúng tôi không chỉ là làm nông nghiệp sạch, mang lại sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, mà chúng tôi còn là cầu nối người tiêu dùng và nông dân, giúp nông dân sống được, sống tốt trên mảnh đất của mình, không phải nơm nớp cảnh mất mùa, mất giá hay bỏ ruộng đồng đi làm ăn xa".

Có thể khẳng định, việc xây dựng, phát triển "thương hiệu" sản phẩm nông sản sẽ là cánh cửa sáng giúp các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiêu thụ ngoài nước, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững gắn với tăng trưởng xanh.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem