Công an chứng minh Đường Nhuệ "bảo kê" hỏa táng bằng cách nào?
Công an chứng minh Đường Nhuệ "bảo kê" hỏa táng bằng cách nào?
Phạm Hiệp
Thứ sáu, ngày 02/07/2021 15:18 PM (GMT+7)
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, hành vi phạm tội của Đường Nhuệ trong vụ "bảo kê" hỏa táng được chứng minh bằng rất nhiều tài liệu, chứng cứ.
Liên quan vụ Đường Nhuệ (SN 1971, TP.Thái Bình, Thái Bình) "bảo kê" hỏa táng, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thể hiện, Đường Nhuệ là người khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu vụ việc này.
Theo đó, Đường lợi dụng danh nghĩa và núp bóng công ty do vợ mình làm giám đốc, tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, ép buộc 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình muốn kinh doanh lĩnh vực hỏa táng phải tham gia Hiệp hội tang lễ Thái Bình, thực hiện các quy định của Hiệp hội do Đường Nhuệ đặt ra.
Đường Nhuệ còn bắt các cơ sở dịch vụ tang lễ phải đóng cho Đường 500 nghìn đồng/ca hỏa táng, tổng số tiền Đường chiếm đoạt của những người bị hại là hơn 2,4 tỷ đồng.
Hành vi của Đường, cơ quan truy tố cáo buộc phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cũng cho biết, hành vi phạm tội của Đường Nhuệ và các đồng phạm trong vụ "bảo kê" hỏa táng được chứng minh bằng rất nhiều tài liệu, chứng cứ.
Cụ thể, đầu tiên là đơn tố giác tội phạm, biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, Công an các huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình tiếp nhận.
Thứ 2 là công văn số 3750 ngày 15/9/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình xác định, Công ty TNHH Đường Dương (công ty do vợ Đường Nhuệ làm giám đốc) không đăng ký kinh doanh dịch vụ tang lễ.
Thứ 3 là văn bản số 18/04/HL ngày 18/4/2020 và số 21/04/HL ngày 21/4/2020 của Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long xác định Công ty này không ký kết hợp đồng với Công ty Đường Dương, không ủy quyền cho Công ty Đường Dương thực hiện các dịch vụ tang lễ liên quan tới hỏa táng.
Thứ 4 là hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ; quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ, danh sách các xã, huyện chia cho từng dịch vụ quản lý.
Thứ 5 là Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty TNHH thương mại Thành Phát với dịch vụ Hương Lợi.
Thứ 6 là công văn ngày 12/5/2020 của Tổng công ty hạ tầng mạng, bản kê chi tiết cuộc gọi đi, đến, tin nhắn của số điện thoại mà Đường dùng làm số để báo ca hỏa táng.
Thứ 7 là các kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an về các chữ ký của các đối tượng có liên quan. Thứ 8 là đơn đề nghị và lời khai của 25 người bị hại trong vụ án.
Thứ 9 là lời khai của đại diện các gia đình trên địa bàn Thái Bình có thân nhân đi hỏa táng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2020; lời khai của những người làm chứng; lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Lộ người bàn bạc, tích cực giúp Đường Nhuệ "bảo kê" hỏa táng
Cáo trạng cũng thể hiện, không chỉ một mình Đường Nhuệ tham gia vụ "bảo kê" hỏa táng này mà còn có Ninh Đức Lợi (SN 1974, TP.Thái Bình, lao động tự do), Phạm Văn Úy (SN 1989, Song An, Vũ Thư, Thái Bình, lao động tự do).
Ngoài ra, còn có Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình, lao động tự do), Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", con nuôi Đường Nhuệ, SN 1995, Song An, Vũ Thư, là lao động tự do), Quách Việt Cường (SN 1974, TP.Thái Bình, lao động tự do), Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ, SN 1980).
Trong số những người này, người đã bàn bạc, tích cực giúp Đường trong việc cưỡng đoạt tài sản ngay từ giai đoạn đầu là Ninh Đức Lợi.
Lợi đã giúp Đường Nhuệ soạn thảo "Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương và các dịch vụ tang lễ Thái Bình"; yêu cầu các dịch vụ tang lễ Thái Bình phải sang Hải Phòng hỏa táng để gây sức ép cho Công ty Thành Phát, buộc Công ty này phải rút khỏi Thái Bình.
Cùng với đó, Lợi còn giúp Đường tổ chức các cuộc họp với các cơ sở dịch vụ tang lễ; nhận báo ca hỏa táng, thu tiền báo ca của các dịch vụ tang lễ về đưa cho Đường; tham gia xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tang lễ (gây tai nạn, cản trở xe tang lễ của tỉnh ngoài, buộc dịch vụ tang lễ mới phải vào Hiệp hội và tổ chức họp để cắt địa bàn của các dịch vụ tang lễ).
Mặc dù Lợi không được Đường chia tiền cưỡng đoạt nhưng Lợi được Đường cho hưởng quyền lợi là không phải nộp tiền báo ca cho Đường, vì vậy cơ quan điều tra xác định, Lợi đồng phạm với Đường về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.