Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm: Vi phạm liên quan đến chim hoang dã, có thể xử lý hình sự!

Lãng Quân - Văn Hoàng Thứ tư, ngày 30/12/2020 13:49 PM (GMT+7)
Phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) về vấn đề xử lý các hành vi săn bắt, nuôi nhốt, giết thịt chim hoang dã sau loạt bài "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời" mà báo đã phản ánh.
Bình luận 0

Nếu vượt quá mức xử phạt hành chính sẽ xử lý hình sự

Thưa ông, sau loạt Phóng sự điều tra dài kì "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời" trên Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt, cảm ơn Cục Kiểm lâm đã ban hành văn bản đề nghị 6 tỉnh quyết liệt vào cuộc xử lý nạn "hành quyết chim trời" với các tổng kho lớn vừa qua.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Trong thời gian vừa qua, tình trạng săn bắt, bẫy, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng diễn ra phức tạp tại một số địa phương. Cục Kiểm lâm chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc của Báo Dân Việt.

Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm: Vi phạm liên quan đến chim hoang dã, có thể xử lý hình sự! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp)

Ngay sau khi nhận thông tin phản ánh, chúng tôi cũng có cái văn bản gửi các địa phương đề nghị tổ chức kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Với việc xử lý các vụ việc liên quan đến chim hoang dã (và động vật hoang dã - ĐVHD - nói chung), năm 2019 Chính phủ ban hành Nghị định 25, ngày 25/4/2019, trong đó quy định xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự quy định xử phạt với các hành vi xâm phạm giết mổ nuôi nhốt vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến ĐVHD.

Theo đó, để xử lý các việc liên quan đến ĐVHD, trước tiên chúng ta cần xác định nguồn gốc của những cá thể động vật này. 

Đối với cái trường hợp săn bắt, vận chuyển, giết mổ, nuôi nhốt, tàng trữ, mua bán, chế biến các loài động vật rừng thông thường, động vật rừng thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm (…) chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định. 

Trường hợp vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý hình sự theo điều 234 hoặc 244 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Ý ông là với chim trời, khi xác định đúng là chim hoang dã rồi, thì có thể nói mọi hành vi bắt, bẫy, buôn bán, sử dụng đều là sai? Và cơ quan chức năng có thể xử lý được nhằm bảo vệ môi trường sống và đa dạng sinh học?

Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Thực ra, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nằm tương đối rải rác, như tôi vừa nói. Đối với các loài hoang dã, cần xác định rõ nguồn gốc, để có cơ sở xử lý.

Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm: Vi phạm liên quan đến chim hoang dã, có thể xử lý hình sự! - Ảnh 3.

Một cá thể chim hoang dã bị săn bắt, giết thịt tại một nhà hàng ở tỉnh Hà Nam

Ngoài Nghị định 35, rồi Luật Lâm nghiệp, Nghị định 06 và các danh mục của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có Nghị định 164 và các quy định pháp luật về đa dạng sinh học. Từ đó, đối với các loài, các trường hợp cụ thể, sẽ có thể vận dụng để xử lý.

Ngay trong đầu năm 2020, chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, xử lý các vấn đề đặt ra ở "địa ngục chim trời" Thạnh Hóa (tỉnh Long An) từ nguồn tin tố cáo và video mà phóng viên Dân Việt đã thu thập được. 

Chúng tôi cũng đánh giá là một trong những nơi mà phức tạp nhất trong các tụ điểm buôn bán các loài ĐVHD, động vật rừng, các loài chim hoang dã. Từ vụ việc đó, chúng tôi cũng đánh giá sự phối hợp rất cụ thể và hiệu quả giữa Kiểm lâm với các cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng địa phương.

Cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở các địa phương

Thưa ông, rõ ràng cơ quan chức năng đã rất lúng túng trong các vụ việc ở nhiều tỉnh mà nhóm phóng viên đã phản ánh. Thêm nữa, các đô thị lớn có cả chuỗi nhà hàng chim trời công khai, lúc nào cũng đông khách và bán hàng chục năm nay rồi. Điều này cho thấy, chúng ta đã không xử lý hoặc xử lý không hiệu quả đối với quá nhiều vi phạm "hành quyết" chim trời! Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Chúng ta thấy rằng phải có một quá trình rất dài để nâng cao nhận thức của người dân, từ việc bắt các loài hoang dã trong đó có chim trời. 

Hiện nay, pháp luật đã được hoàn thiện để điều chỉnh dần các hành vi liên quan đến săn bắt, buôn bán, giết mổ, ăn thịt chim trời; thứ hai là công tác tuyên truyền, để cho người dân nhận thức được bảo vệ ĐVHD nói chung, chim di cư, chim hoang dã nói riêng đã kiện toàn hơn.

Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm: Vi phạm liên quan đến chim hoang dã, có thể xử lý hình sự! - Ảnh 4.

Ngoài các mức xử phạt vi phạm hành chính thì giết thịt chim hoang dã với số lượng lớn có thể bị phạt tù

Cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Bộ và Chính phủ để hoàn thiện pháp luật, ban hành Nghị định 06 và hiện nay đang tiếp tục sửa đổi, gần đây nhất là Chỉ thị 29 của Thủ tướng chính phủ, ngày 23/07/2020, về một số giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu hướng dẫn các địa phương là tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tụ điểm kinh doanh buôn bán, giết mổ trái pháp luật các loài ĐVHD. 

Bên cạnh đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của hệ thống chính trị ở các địa phương. Họ có thể huy động các lực lượng của địa phương phối hợp cùng ra quân để xử lý.

Như tôi được biết, tỉnh Hà Tĩnh đang làm nghiêm vấn đề này, họ thu giữ mọi thứ của các đối tượng săn bắt, bẫy bắn chim hoang dã để tiêu hủy. Đấy cũng là một mô hình hay để cho các cái địa phương có thể nghiên cứu và cùng làm việc để có thể bảo vệ tốt nhất các loài chim hoang dã.

Chân thành cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem