Tôi bị tai biến nhẹ cách đây 1 năm. Hiện các chi và giác quan phục hồi tốt. Tôi ăn, ngủ bình thường, tập thể dục nhẹ thường xuyên, đã được bố trí làm lại công việc cũ. Nói chung là mọi thứ đều tốt.
Duy chỉ có một điều rất khó nói là sinh hoạt vợ chồng không được bình thường như trước. Trở ngại lớn nhất là thằng nhỏ rất khó cương cứng; trầy trật lắm nó mới lên mà cũng lên “giữa chừng xuân” chớ không dũng mãnh như trước.
Năm nay tôi 39 tuổi, bà xã mới 35, vẫn còn rất sung mãn. Trước khi tôi bị tai biến, do ảnh hưởng của thuốc tim mạch nên tôi cũng không mạnh mẽ lắm; nay thì tình hình càng xấu hơn. Nhiều khi thằng lớn muốn mà thằng nhỏ không nghe lời; những lúc như vậy cứ trầy trật mãi không xong, bà xã bực mình nói “cứ xìu xìu, ển ển vầy hoài, cho nghỉ hưu luôn, tôi đi kiếm chỗ khác giải quyết”.
Bà ấy còn đe dọa nếu tôi cứ ráng sức thì có ngày tiếp tục bị nhồi máu cơ tim, chết bất đắc kỳ tử… Biết là vợ nói đùa nhưng tôi cũng lo lắm; mà càng lo thì thằng nhỏ càng trơ ra, không bảo được.
Tôi phải làm sao để lấy lại phong độ? Đôi khi cũng muốn uống thuốc này, thuốc kia nhưng lại sợ tương tác thuốc với thuốc tim mạch đang dùng nên cũng ngại. Mới 39 tuổi mà đã làm ăn không ra gì nên tôi rất buồn, nhiều khi nghĩ quẩn, không muốn sống nữa…
huutran…@yahoo.com
Bạn thân mến,
Người bị tai biến thì sức khỏe không còn như trước, nếu phục hồi tốt thì cũng không bao giờ đạt mức tối đa như cũ. Hơn ai hết, ông bạn và bà xã phải mừng vì bây giờ, sau 1 năm, mọi thứ đã gần như trở lại bình thường: ăn được, ngủ được, làm việc được…
Tuy vậy, vì là người có bệnh, lại là căn bệnh “nguy hiểm chết người” là bệnh tim mạch, nếu chưa bị tai biến thì cũng đã có những khuyến cáo trong sinh hoạt nói chung và sinh hoạt tình dục nói riêng.
Có nhiều trường hợp, sau điều trị ở bệnh viện thầy thuốc căn dặn rất kỹ về chuyện uống thuốc, ăn uống, đi đứng, làm việc… nhưng lại chẳng đá động gì đến chuyện sinh hoạt vợ chồng. Vì vậy, nhiều người sau đó thấy hoang mang, lo lắng, thậm chí có người kiêng cữ luôn, chẳng dám mần ăn gì.
Thực tế, không nhất thiết phải như vậy. Nếu sau tai biến mà sức khỏe phục hồi tốt thì không có lý do gì chuyện ấy không thể hồi phục. Tình trạng “xìu xìu, ển ển; trên bảo dưới không nghe” có thể là do sự lo lắng thái quá về bệnh tật khiến cho ham muốn tình dục và khả năng thực hiện hành vi tình dục giảm sút.
Có điều này xin nói để bạn yên tâm: nhiều nghiên cứu cho thấy trên 80% số người bệnh sẽ vượt qua cảm giác lo lắng này một thời gian sau đó, nhanh là 3 tháng, chậm là 1 năm; rất ít người... tiêu luôn!
Dù vậy, để tình hình tiến triển tốt, đòi hỏi các bên phải có suy nghĩ và hành động tích cực. Nghĩa là bản thân ông bạn phải “quẳng gánh lo đi mà vui sống” bởi đã sinh ra làm con người, ai mà không bệnh, ai mà không chết đâu mà lo?
Còn bà xã của bạn thì cũng phải đặc biệt quan tâm chăm sóc, động viên chứ đừng “phang ngang bửa củi” theo kiểu “ông tiêu rồi, ông liệt luôn rồi, ông hết mần ăn được rồi”... Nói thiệt, người đang khỏe mạnh mà nghe những lời ấy thì cũng... xìu xìu, ển ển luôn chứ nói gì đến người vừa bệnh khỏi.
Bạn cần biết rằng với người bình thường, sinh hoạt tình dục sẽ làm cho mạch, nhịp tim nhanh hơn; thở gấp, huyết áp tăng... Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với người vừa khỏi bệnh. Do vậy mới có sự lo lắng, băn khoăn của người trong cuộc. Đa phần sợ nếu dụng sức nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tim mạch, huyết áp; thậm chí sợ bị đột tử hay dân gian còn gọi là thượng mã phong.
Tuy nhiên, nếu nghĩ thoáng hơn thì sinh hoạt tình dục không đơn thuần là quan hệ tình dục mà nó là cả một quá trình với nhiều hành vi từ âu yếm, gần gũi, va chạm, vuốt ve, hôn hít và cuối cùng là giao hợp. Tổ hợp những hoạt động này giúp cơ thể sản xuất ra một số loại nội tiết tố đặc biệt làm cho chúng ta thấy vui vẻ, sảng khoái, yêu đời. Do vậy, không có lý do gì phải kiêng cữ, hạn chế một cách nghiêm ngặt bởi các bạn còn khá trẻ, tuổi của đời sống tình dục còn dài, không nên buông tay như vậy.
Tốt nhất là bạn cố gắng ăn, ngủ điều độ; tập thể dục nhẹ nhàng, làm việc vừa sức; tránh suy nghĩ tiêu cực. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng bất cứ loại thuốc gì. Nếu trước khi bị tai biến, bạn cũng đã suy giảm ham muốn, khó cương cứng thì chắc chắn là đã bị tác dụng phụ của thuốc tim mạch. Do vậy, có thể đề nghị bác sĩ thay thế các loại thuốc đang dùng. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ mang tính chất tương đối vì hầu hết thuốc trị tim mạch, huyết áp, tiểu đường đều có tác dụng phụ lên khả năng tình dục. Bạn hãy chấp nhận thực tế này một cách lạc quan, vui vẻ thì cái tác dụng phụ kia cũng sẽ bị hạn chế phần nào.
Có một vài lời khuyên cho bạn để quan hệ vợ chồng được cải thiện. Đó là chọn thời điểm “tác chiến” sau khi đã nghỉ ngơi đầy đủ, sức khỏe và tâm trạng đều tốt; tuyệt đối không được “mó máy, động đậy” sau khi ăn no; tránh những động tác, tư thế quá “độc, lạ” và nên nhẹ nhàng, từ tốn.
Điều quan trọng nhất, xin nhắc lại là sự quan tâm, chăm sóc, động viên, chia sẻ của người bạn đời. Tình dục sẽ theo ta suốt cả cuộc đời, đã là bạn đời thì phải chăm nom, nuôi dưỡng, bồi bổ cho nó khỏe mạnh, bình thường. Chuyện thằng nhỏ “xìu xìu, ển ển” là có trách nhiệm của bà xã bạn. Hai người nên ngồi lại, bàn bạc với nhau kỹ càng và có đối sách phù hợp, đừng tự ái khi nghe bà xã nói vậy rồi nghĩ quẩn.
Người Lao động (Theo Người Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.