Ngày 3/4, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn (Cà Mau) cho biết: Trên địa bàn xuất hiện dấu hiệu cua bệnh và chết rải rác ở một vài hộ từ tháng 12/2022 với mức độ thiệt hại thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây (khoảng đầu tháng 3) thì dấu hiệu cua bệnh và chết có chiều hướng tăng ở hầu hết ở các xã, thị trấn trên địa bàn với diện tích khoảng 6.400ha. Mức độ thiệt hại trung bình từ khoảng 20-30% trên tổng số cua thu được, cá biệt cũng có hộ thiệt hại 60-70%.
Nhiều người dân ở Năm Căn phản ánh, thông thường cua nuôi nếu phát triển tốt sau 4-5 tháng sẽ thu hoạch. Cuối năm ngoái, cua chết rải rác, sau đó lan rộng và gia tăng thiệt hại khoảng một tháng nay.
Cua Cà Mau chết trên diện rộng ở huyện Năm Căn. Ảnh: CTV.
Theo nhận định ban đầu của ngành chuyên môn, sau khi bị nhiễm bệnh, cua có dấu hiệu chạy vào lú (dụng cụ bắt thủy sản) nhiều hơn trước. Con cua hoạt động chậm chạp, màu sắc nhợt nhạt (hồng), mai đóng rong, bám bẩn. Sau khi bị bệnh, cua vẫn sống được 2 - 3 ngày nhưng chất lượng thịt giảm dần. Tình trạng cua chết có những biểu hiện lặp lại như hai năm trước. Hiện ngành chức năng đang phối hợp cùng địa phương lấy mẫu, rà soát thiệt hại và tìm nguyên nhân cua chết.
Mùa khô các năm 2021, 2022, cua Cà Mau cũng chết hàng loạt ở các huyện. Sau khi lấy mẫu, ngành chức năng xác định cua chết do nhiễm ký sinh trùng Sacculina.
Theo ông Lễ, đến thời điểm này chưa có giải pháp phòng ngừa cũng như đặc trị đối với mầm bệnh này. Chính vì vậy, ngành chức năng tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp tạm thời để hạn chế thiệt như nhanh chóng thu hoạch dứt điểm lượng cua trong vuông tôm và không thả con giống mới; tăng cường men vi sinh, ổn định môi trường; chủ động nuôi con giống ở khu vực riêng để nối vụ.
Cua biển Cà Mau là đặc sản ngon nổi tiếng, trong đó cua ở huyện Năm Căn được mệnh danh ngon nhất nước. Toàn tỉnh có diện tích nuôi xen canh trên 250.000ha; tổng giá trị kinh tế từ con cua bình quân mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.