Đà Nẵng bứt phá chuyển đổi số: Khi người dân "ngồi nhà" giao dịch hành chính

Diệu Bình Thứ hai, ngày 19/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Giờ đây, người dân có thể làm tất cả các dịch vụ công ở Đà Nẵng qua mạng nhờ chuyển đổi số.
Bình luận 0

Người dân được lợi nhờ chuyển đổi số

Tiện ích chuyển đổi số cho phép cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch công một cách dễ dàng qua mạng.

Vừa qua, anh Trần Tuấn Anh (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đến trung tâm y tế quận khám sức khỏe để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2.

Tại đây, anh Tuấn Anh được nhân viên y tế thông báo việc làm thủ tục đổi GPLX không cần phải đến đúng đơn vị có thẩm quyền như trước đây mà có thể làm trực tuyến khi Sở GTVT phối hợp với Sở TT&TT và các trung tâm y tế trên địa bàn thực hiện liên thông dữ liệu để người dân đổi GPLX trực tuyến cấp 4 hoàn toàn trên môi trường mạng.

Chỉ trong thời gian ngắn, anh Tuấn Anh được hướng dẫn làm thủ tục nộp hồ sơ qua mạng, nộp lệ phí trực tuyến và đăng ký nhận bằng ngay tại nhà. Việc hỗ trợ cấp đổi còn áp dụng cho cả người dân ngoại tỉnh.

Việc thí điểm dịch vụ công cấp độ 4 đổi giấy phép lái xe vừa được Đà Nẵng bắt đầu triển khai đầu tháng 3/2023. Đây là một trong những dịch vụ công trực tuyến được thành phố triển khai mang lại tiện ích cho người dân.

Dân Đà Nẵng "ngồi nhà" giao dịch hành chính - Ảnh 1.

Người dân thực hiện giao dịch hành chính trực tuyến. Ảnh: D.B

Chị Đỗ Hoà (trú phường Hoà Thuận Tây, quận Cẩm Lệ) cho hay, chị vừa lên mạng đăng ký giấy phép kinh doanh, chị bất ngờ khi chưa đầy 3 ngày sau đã được thông báo cấp phép.

Theo chị Hoà, chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và truy cập vào trang dichvucong.danang.gov.vn, sau vài cái nhấp chuột là xong. Thủ tục trả hồ sơ hành chính tận nhà nên chẳng cần phải đến cơ quan nhà nước.

"Thủ tục đăng ký trực tuyến mang lại thuận lợi rất lớn so với trước đây. Người dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều", chị Hoà nói

Theo UBND quận Hải Châu, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, thực hiện nhanh chóng. Trong năm 2022, quận giải quyết 7.064/9.182 tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, cao hơn nhiều so với năm ngoái. 

Mỗi công dân có một mã QR code

Bứt phá nhanh, ngoạn mục về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Đà Nẵng những năm qua thể hiện rất rõ ở các khu vực giải quyết thủ tục hành chính công với lượng người xếp hàng chờ gọi tên và hồ sơ giấy giảm hẳn.

Theo thống kê của Sở TT&TT, tính đến nay, 100% dịch vụ công ở thành phố đều đã được triển khai trực tuyến mức độ 4 (nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục qua mạng). Trong đó 91% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc; vượt chỉ tiêu tại kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là 50%)…Ngoài các dịch vụ hành chính công thì hiện nay, thành phố đã bắt đầu đưa thủ tục ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố.

Tất cả các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể cấp thành đến quận huyện đến xã phường đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành để xử lý văn bản điện tử và gửi, nhận liên thông với các cơ quan chính quyền. Hình thành Trung tâm Giám sát thông minh Mini IOC với 6 dịch vụ thông minh cơ bản theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và 12 dịch vụ tăng thêm khác…

Dân Đà Nẵng "ngồi nhà" giao dịch hành chính - Ảnh 2.

Người dân thanh toán tiền bằng mã QR code tại chợ tại chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: D.B

Một trong những đột phá trong việc chuyển đổi số trong năm qua là thành phố là chính thức đưa vào sử dụng nền tảng công dân số tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn hoặc https://myportal.danang.gov.vn và app DaNang Smart City. Mỗi công dân có một QR code đại diện cho hồ sơ công dân số để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày.

Tính đến nay thành phố có hơn 260.000 tài khoản/hồ sơ của người dân, tương đương 46% người trong độ tuổi trưởng thành ở Đà Nẵng. Hồ sơ công dân số cho phép mỗi người dân có một QR code duy nhất theo chuẩn quốc gia để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày.

Đến nay, 100% phường, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, tổ dân phố với gần 2.500 tổ và 13.000 thành viên.

Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới

Theo Sở TT&TT, trong năm 2023, thành phố triển khai chủ đề chuyển đổi số "Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới" gồm 33 tiêu chí trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có 13 tiêu chí của riêng Đà Nẵng. Thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp, nhiệm vụ và phân công, gắn trách nhiệm cụ thể từng sở, ban, ngành, địa phương thực hiện.

Trong đó, về chính quyền số thành phố đặt ra mục tiêu đạt tỷ lệ 95% dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến, 80% tỷ lệ hồ sơ hành chính công trực tuyến, 5% thủ tục hành chính được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% kết quả mới…

Dân Đà Nẵng "ngồi nhà" giao dịch hành chính - Ảnh 3.

Năm 2023, Đà Nẵng triển khai chủ đề chuyển đổi số "Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Ảnh: D.B

Về kinh tế số phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số 20% trong tổng số GRDP của thành phố, có 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, 80% tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, 10 bộ dữ liệu số hoặc dữ liệu mở tạo ra giá trị hoặc sản phẩm mới...

Về xã hội số phấn đấu đạt tỷ lệ phủ sóng dịch vụ 5G đạt 20%, 70% hộ gia đình có địa chỉ số, 100% học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử, 100% người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân...

Hoàn thiện Cổng dữ liệu mở thành phố, kết nối với Cổng dữ liệu mở quốc gia; ban hành kế hoạch, danh mục dữ liệu mở và triển khai cung cấp dữ liệu mở; bảo đảm 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem