Đại biểu Quốc hội: Địa phương hỏi xin hướng dẫn, các Bộ "né" bằng trích dẫn "khoản nọ, điều kia"!
Đại biểu Quốc hội: Địa phương hỏi xin hướng dẫn, các Bộ "né" bằng trích dẫn "khoản nọ, điều kia"!
An Linh
Thứ tư, ngày 31/05/2023 15:28 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội cho biết, một bộ phận cán bộ đang có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai. Đại biểu nói rằng, có địa phương gặp khó gửi công văn xin hướng dẫn chỉ đạo từ Bộ, ngành thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn "khoản nọ, điều kia".
Cần thuốc đặc trị căn bệnh sợ trách nhiệm để tránh lây lan
Tiếp chương trình thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và ngân sách nhà nước ngày 31/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các Bộ, địa phương, trung ương hiện nay.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội có đề cập một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có những giải pháp toàn diện để khắc phục những khó khăn, tồn tại như đã nêu trên trong báo cáo và quan tâm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt cho địa phương về cơ chế, về thể chế.
Ông Mai kiến nghị Chính phủ cần có "liệu pháp" đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả "căn bệnh" đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai mà không để lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đại biểu Quảng Bình) cho biết, đến thời điểm này, gói kích cầu đang triển khai chật vật, số tiền cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ mới đạt 0,25%, chiếm tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch. Gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, gói phát triển kết cấu hạ tầng với các công trình trọng điểm, giải ngân chậm, giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt gần 60%.
Bà Tâm cho rằng, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản để tạo cơ chế pháp lý cho triển khai các chính sách lớn nhằm khôi phục kinh tế, việc vướng mắc về cơ chế vĩ mô cũng đã được giải quyết phần nào. Thế nhưng, nếu không giải quyết dứt điểm điểm nghẽn trong vấn đề sợ trách nhiệm thì e rằng dù có đầy đủ hệ thống quy định thì vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng.
"Tình trạng địa phương gặp khó khi gửi công văn xin hướng dẫn chỉ đạo từ Bộ, ngành không phải là hiếm gặp trong tình trạng luật và các văn bản dưới luật còn chồng chéo. Tình trạng này càng trở nên phổ biến khi các địa phương xin hướng dẫn thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn khoản nọ, điều kia", đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Đại biểu Tâm đề xuất nên chăng thành lập tổ công tác liên ngành tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương, cần ban hành bộ quy tắc, quy chuẩn xử lý những vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi.
Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) cho rằng, thời gian qua dòng chảy của vốn đổ quá nhiều vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, lệch pha so với nhu cầu thực tế về phát triển du lịch, trong khi các điều kiện hạ tầng khác thì chưa thể đáp ứng được ngay một sớm một chiều.
"Việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều nhà đầu tư mải mê với cuộc chơi bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi nhu cầu thực về nhà ở và các thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở phục vụ cộng đồng đáp ứng đông đảo người dân, đặc biệt là các tầng lớp công nhân, công chức, viên chức, người lao động của văn phòng thì chưa được quan tâm đúng mức" đại biểu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.