Đại biểu Quốc hội đề nghị: Quy trách nhiệm nhà cung cấp khi giao dịch điện tử có yếu tố lừa đảo

An Linh Thứ ba, ngày 30/05/2023 11:22 AM (GMT+7)
Cho ý kiến về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng nay 30/5 tại Quốc hội, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp.
Bình luận 0

Quy trách nhiệm nhà cung cấp trên giao dịch điện tử

Theo đại biểu Phước, Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác trong thời kỳ mới, nên việc sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết để làm thông thoáng thủ tục trong môi trường pháp lý. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử.

Đại biểu đề nghị: Quy trách nhiệm nhà cung cấp khi giao dịch điện tử có yếu tố lừa đảo - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum)

Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

Cũng cho ý kiến về dự luật, đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng cần ràng buộc trách nhiệm, xử lý vi phạm của ca nhân, tổ chức làm lộ, lọt dữ liệu chữ ký số, giả chữ ký số trong môi trường giao dịch điện tử đang bùng nổ hiện nay.

Ông Yên nhấn mạnh, những hành vi tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số cần được nghiêm cấm trong giao dịch điện tử. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung những hành vi trên vào khoản 6 Điều 9 dự thảo Luật để nâng cao hiệu lực của pháp luật và căn cứ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Về thời điểm gửi nhận thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, đại biểu Đỗ Văn Yên cho biết, dự thảo Luật quy định thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu của các chủ thể được xác định trong các trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì ở bất kỳ địa điểm nào, thông điệp dữ liệu được gửi đi và nhận thì địa điểm đó vẫn được coi là trụ sở của người gửi, người nhận nếu người gửi, người nhận là cơ quan, tổ chức; được coi là nơi cư trú nếu người gửi, người nhận là cá nhân.

Loại trừ giao dịch bất động sản khỏi Luật Giao dịch điện tử

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Giao dịch sử đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và không áp dụng một số trường hợp loại trừ; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh…

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tiễn cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử 2005 hiện đã được triển khai giao dịch điện tử một phần như đăng ký khai sinh, kết hôn đã có dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương…

Các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ, ngành, địa phương cung cấp đang được tích cực triển khai theo hướng khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình), phù hợp với xu thế chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem