Đại biểu Quốc hội “truy” năng lực của Tổng Liên đoàn Lao động nếu được giao làm nhà ở xã hội

An Linh Thứ năm, ngày 26/10/2023 17:46 PM (GMT+7)
Phiên thảo luận Luật Nhà ở chiều 26/10 tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tranh luận về hai phương án cho phép hoặc không cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản các dự án đầu tư nhà ở xã hội cho thuê.
Bình luận 0

Theo đó, tại Tờ Trình dự thảo Luật Nhà ở của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu quốc hội.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án về vấn đề này, phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.

Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ "chín" để quy định trong Luật.

Tại hội trường Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn Đồng Tháp cho rằng: Còn có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khác nhau, hai phương án nêu ra đều có ưu, nhược điểm nên cần lấy phiếu cả hai phương án. 

Tổng Liên đoàn Lao động lấy tiền đâu làm chủ đầu tư nhà ở xã hội?

Ông Hoà cho rằng, Tổng liên đoàn có vốn hiện chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng, nếu muốn đầu tư nhà ở xã hội, cần phải vay thêm vốn hoặc có vốn Nhà nước. Vì vậy, vẫn phải dùng vốn Nhà nước. Đại biểu PHạm Văn Hoà nhấn mạnh: "Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân thì chỉ nên dùng cho thuê, chứ không bán. Bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị và không thể nào có chức năng kinh doanh được".

Đại biểu Quốc hội “truy” năng lực của Tổng Liên đoàn Lao động nếu được giao làm nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn Đồng Tháp (Ảnh; QH.VN).

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng: Giao cho tổ chức công đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân đáp ứng cả ba căn cứ cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Ông Nghĩa cho rằng: Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam có yêu cầu Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động.  

"Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị và công đoàn thì đang đứng trước sức ép rất lớn khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có yêu cầu khắt khe về lao động và tạo sức ép lớn cho tổ chức công đoàn. Do đó, cần thiết để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình", ông Nghĩa cho hay.

Cũng đồng tình về việc giao Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đoàn Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay công nhân và người lao động mong chờ Quốc hội tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc này để công đoàn có thể thực hiện tốt hơn vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội “truy” năng lực của Tổng Liên đoàn Lao động nếu được giao làm nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đoàn Vĩnh Phúc

Tuy nhiên, không ít đại biểu tỏ nghi vấn về việc giao Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Lý giải này là chưa thỏa đáng vì công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động. Đồng thời bày tỏ băn khoăn khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó? Khi thiếu nhà ở thì công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm?

Tổng Liên đoàn làm nhà ở xã hội: Ai đứng ra chịu trách nhiệm khi thiếu nhà ở xã hội? 

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đồng tình tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, nhưng đề nghị đây chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác.

"Tôi cũng thấy có ý kiến rằng cần tỉnh đến khi Tổng Liên đoàn đại diện cho người lao động, lại tự mình là người đứng ra cung cấp nhà ở cho người lao động, nếu giả sử sản phẩm không tốt, ai sẽ là người đứng ra phản biện?", ông Cường nói.

Đại biểu Quốc hội “truy” năng lực của Tổng Liên đoàn Lao động nếu được giao làm nhà ở xã hội - Ảnh 4.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội

Theo vị này, như vậy, vô hình chung vừa cung cấp, lại vừa giám sát thì không đảm bảo khách quan. Trong khi nếu giao cho cơ quan độc lập, rõ ràng Tổng Liên đoàn có vai trò giám sát, đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói của mình nên tính toán, cân nhắc, không nên vì các bên cung cấp không tốt, không đủ mà Tổng Liên đoàn đứng ra làm thay.

Góp ý về quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư, bởi vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng "công nhân, người lao động". 

Vì vậy, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định "các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê". Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem