3 trận toàn thua, thủng lưới 10 bàn, ĐT Việt Nam rút ra bài học gì?

Trần Oánh Thứ tư, ngày 18/10/2023 10:10 AM (GMT+7)
Muốn tấn công phải kiểm soát được bóng và muốn kiểm soát được bóng, mỗi cầu thủ phải giữ được bóng. Khả năng giữ bóng cá nhân quyết định đến việc triển khai chiến thuật của đội bóng. Các cầu thủ ĐT Việt Nam đủ kỹ thuật để giữ bóng, nhưng họ thiếu tự tin sử dụng kỹ thuật để giữ bóng trước các đối thủ mạnh.
Bình luận 0

ĐT Việt Nam cần phải thay đổi điều gì?

Thua ĐT Hàn Quốc 0-6, ĐT Việt Nam đã kết thúc đợt tập trung, thi đấu giao hữu chuẩn bị cho chiến dịch World Cup với kết quả thua cả 3 trận, nhận 10 bàn thua và không ghi được bàn thắng nào. Kết quả này không bất ngờ khi nhìn vào danh sách các đối thủ được chọn làm quân xanh cho đợt giao hữu này của ĐT Việt Nam. Ngay từ đầu, BHL đội bóng cùng dư luận đều hiểu rằng, kết quả thắng thua của các trận đấu này không phải là điều quan trọng nhất.

Đâu là bài học quan trọng nhất của ĐT Việt Nam sau 3 trận thua liên tiếp? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam không thể tránh khỏi thất bại nặng nề trước đối thủ đẳng cấp cao như ĐT Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Cho đến trận thua cuối cùng trước ĐT Hàn Quốc, các trận đấu của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier vẫn chỉ là những thử nghiệm. Có vẻ người hâm mộ Việt Nam đã khá sốt ruột trước kết quả thử nghiệm của ông. Mặc dù tới giờ, trong 6 trận đấu, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier chỉ thua 3 trận trước các đội bóng được đánh giá cao hơn là Trung Quốc (xếp hạng 80 trên BXH FIFA), Uzbekistan (xếp hạng 75 trên BXH FIFA) và Hàn Quốc (xếp hạng 26 trên BXH FIFA).

Trong khi đó, ĐT Việt Nam xếp hạng 95 trên BXH FIFA. Trước đó, với 3 đối thủ còn lại là Hong Kong (Trung Quốc, xếp hạng 148 trên BXH FIFA), Syria (xếp hạng 93 trên HXB FIFA) và Palestine (xếp hạng 97 trên BXH FIFA). Đó đều là những đối thủ yếu hơn và vừa tầm nên thầy trò HLV Troussier đều thắng.

Trở lại trận đấu với Hàn Quốc, chênh lệch trình độ của 2 đội bóng là rất rõ, từ tỷ số 6-0 đến việc ĐT Hàn Quốc làm chủ thế trận. Họ phối hợp tốt hơn, cầm bóng nhiều hơn, có nhiều cơ hội hơn. Họ pressing tầm cao, cao hết mức mà luật bóng đá cho phép. Mỗi khi thủ môn ĐT Việt Nam đặt bóng ở vạch 5m50 chuẩn bị phát bóng lên, 2 cầu thủ Hàn Quốc đứng ngay trên vạch 16m50 để gây sức ép, không cho các hậu vệ ĐT Việt Nam phối hợp nhỏ đưa bóng lên. Đó là vị trí cao nhất mà luật cho phép họ có mặt.

Đâu là bài học quan trọng nhất của ĐT Việt Nam sau 3 trận thua liên tiếp? - Ảnh 2.

ĐT Việt Nam hoàn toàn lép vế ĐT Hàn Quốc về mọi mặt. Ảnh: Reuters

Đối đầu với 1 đối thủ có sức mạnh vượt trội, thật khó đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hàng phòng ngự. Điều đó đồng nghĩa với việc rất khó rút ra được bài học cụ thể gì hay đưa ra được phương án phòng ngự nào để hóa giải các đợt tấn công, phối hợp quá nhanh, quá nguy hiểm của các cầu thủ tầm cỡ thế giới như ĐT Hàn Quốc.

Ở mặt trận tấn công của đội bóng, việc có được các cơ hội nguy hiểm trước khung thành Hàn Quốc là điểm sáng đáng khen của các cầu thủ Việt Nam. Đáng kể nhất là cơ hội nguy hiểm ĐT Việt Nam có được từ 1 pha pressing tầm cao, cướp bóng từ hàng phòng ngự đối phương, phối hợp dứt điểm, tiếc là đã không có bàn thắng. Tình huống này được đánh giá cao vì pressing là điển hình của lối đá kiểm soát, lối đá mà các cầu thủ ĐT Việt Nam đang nỗ lực hướng tới.

Rõ ràng, chúng ta thấy được sự chênh lệch của ĐT Việt Nam với ĐT Hàn Quốc, ĐT Uzbekistan, nhưng yếu tố cụ thể nào là quan trọng nhất tạo nên sự chênh lệch đó?

Yếu tố có đóng góp quan trọng nhất tạo nên sự chênh lệch trong cách triển khai lối chơi của 1 đội yếu với 1 đội mạnh là khả năng giữ bóng của mỗi cầu thủ. Có 1 quy luật thế này, đó là muốn tổ chức tấn công, đội bóng phải kiểm soát được bóng, nhưng muốn đội bóng kiểm soát được bóng, mỗi cầu thủ phải giữ được bóng. Khả năng giữ bóng cá nhân này tác động đến việc thực hiện các động tác kỹ thuật tiếp theo của cầu thủ đó và quyết định đến việc triển khai chiến thuật của tập thể đội bóng.

Khi 1 cầu thủ Hàn Quốc ập vào tranh cướp bóng, cầu thủ Việt Nam không thể giữ nổi bóng nếu không chuyền ngay, ngoại trừ Nguyễn Hoàng Đức hay Đỗ Hùng Dũng... Ngược lại, cầu thủ Hàn Quốc vẫn có thể giữ bóng nếu chỉ có 1 cầu thủ Việt Nam ập vào tranh cướp. Đây cũng là điều diễn ra ở trận đấu của ĐT Việt Nam với ĐT Uzbekistan.

Đâu là bài học quan trọng nhất của ĐT Việt Nam sau 3 trận thua liên tiếp? - Ảnh 3.

ĐT Việt Nam cũng có những tình huống dứt điểm đáng chú ý, tiếc là không ghi được bàn thắng. Ảnh: Reuters

Khi một cầu thủ phải lập tức đưa ra đường chuyền trước khi đối phương ập vào, anh ta sẽ có ít lựa chọn, ít cơ hội hơn cho việc đưa ra 1 đường chuyền chất lượng. Nếu cầu thủ nào của ĐT Việt Nam cũng có khả năng giữ bóng giống Nguyễn Hoàng Đức, chắc chắn thế trận đã khác. Tất nhiên, thể hình, thể lực tốt là điều kiện quan trọng để có thể thực hiện động tác giữ bóng tốt. Nhưng yếu tố kỹ thuật và sự tự tin sử dụng kỹ thuật của các cầu thủ là rất quan trọng.

Trong ĐT Việt Nam, điển hình là Hoàng Đức. Với thế giới thì rất nhiều, điển hình là Messi, thể hình nhỏ bé nhưng với kỹ thuật tốt, đối phương rất khó đoán được đâu là động tác thật, đâu là động tác giả để lấy bóng trong chân Messi. Hẳn một trong những bài học mà HLV Troussier muốn các học trò trải nghiệm trong các trận đấu với những đội bóng mạnh hơn nhiều, đó là khả năng sử dụng kỹ thuật cá nhân để giữ bóng trước áp lực tranh cướp mạnh mẽ của đối phương.

Các cầu thủ Việt Nam không phải không đủ kỹ thuật để giữ bóng, kể cả trước cầu thủ của các đội bóng mạnh hơn, nhưng cái họ thiếu là sự tự tin sử dụng kỹ thuật của mình để giữ bóng. Thực tế, xét về tốc độ và sức mạnh, các cầu thủ Trung Quốc không thua kém Hàn Quốc nhiều, nhưng khi tự tin, các cầu thủ Việt Nam đã giữ bóng, tổ chức phối hợp kiểm soát bóng hay hơn đối phương.

Đâu là bài học quan trọng nhất của ĐT Việt Nam sau 3 trận thua liên tiếp? - Ảnh 4.

Các cầu thủ ĐT Việt Nam cần tự tin hơn nữa khi chạm trán các đối thủ mạnh. Ảnh: Reuters

Đối mặt với các đối thủ mạnh hơn rất nhiều, đặc biệt là trận gặp Hàn Quốc, các cầu thủ Việt Nam cũng đã có những tình huống tỏ ra khá tự tin, cho dù đối phương to khỏe hơn. Điển hình như cầu thủ trẻ Khuất Văn Khang, anh đã có những phút thi đấu rất hay khi có mặt ở trên sân và tự tin cầm bóng, tỉnh táo để có những pha xử lý chất lượng.

Có lẽ, bài học quan trọng nhất dành cho các cầu thủ Việt Nam qua những trận đấu này là nếu thực sự tự tin sử dụng kỹ thuật cá nhân để giữ bóng, kiểu như Hoàng Đức, Đỗ Hùng Dũng hay Khuất Văn Khang đã làm, chúng ta hoàn toàn có thể giữ bóng trong chân để triển khai các ý đồ chiến thuật của đội bóng. Và chỉ khi đó, ĐT Việt Nam mới có thể tổ chức tấn công đối phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem