Đàn em Đường Nhuệ thu tiền “báo ca” chậm, cơ sở tang lễ tự nộp rồi thu cho nhanh

Phạm Hiệp Chủ nhật, ngày 07/02/2021 12:16 PM (GMT+7)
Trong vụ Đường Nhuệ "bảo kê" dịch vụ hỏa táng, ở giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thái Bình đã trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ vai trò của con nuôi Đường Nhuệ và 5 người khác trong vụ án.
Bình luận 0

Người đăng ký số điện thoại "báo ca" lộ diện

Theo kết luận điều tra vụ Đường Nhuệ "bảo kê" dịch vụ hỏa táng của Công an tỉnh Thái Bình, sau khi Công an tỉnh này có kết luận điều tra gửi đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố vợ chồng Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, TP.Thái Bình) và các bị can khác, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra một số nội dung.

Cụ thể, Viện KSND tỉnh Thái Bình yêu cầu tiếp tục điều tra, đấu tranh làm rõ về ý thức, động cơ, mục đích và hành vi cụ thể của Bùi Mạnh Tiến, Đào Văn Bằng, Tô Văn Sơn, Bùi Văn Minh, Lương Trung Thái, Đỗ Văn Nhật khi tham gia, có những lời nói, hành động giúp Đường Nhuệ trong từng giai đoạn của quá trình cưỡng đoạt tài sản để xem xét khởi tố, xử lý theo quy định.

Đệ Đường Nhuệ thu tiền “báo ca” chậm, cơ sở tang lễ tự nộp rồi thu cho nhanh  - Ảnh 1.

Người đứng tên đăng ký số điện thoại nhận "báo ca" hỏa táng cho Đường Nhuệ là Bùi Văn Minh (TP.Thái Bình), một người bạn của Đường Nhuệ.

Vịện KSND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Công an tỉnh điều tra, xác định rõ số tiền cụ thể các cơ sở dịch vụ tang lễ nộp cho Đường Nhuệ hàng tháng, có đối chiếu với kết quả xác minh những gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Bình có người đưa đi hỏa táng trong khoảng thời gian trên.

Đơn vị này cũng yêu cầu điều tra làm rõ Đường Nhuệ nhận tiền cưỡng đoạt của các cơ sở dịch vụ tang lễ cụ thể từng lần như thế nào, chi tiêu số tiền trên vào những việc gì.

Đồng thời, điều tra, kết luận đến ngày 5/6/2019, Phạm Văn Úy đã giúp sức cho Đường trong việc cưỡng đoạt số tiền là bao nhiêu.

Sau khi điều tra bổ sung, Công an tỉnh Thái Bình đã kết luận một số nội dung được yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo đó, đối với Bùi Văn Minh (SN 1975, TP.Thái Bình), người này là bạn của Đường Nhuệ, chiếc sim điện thoại có đuôi số 1975 là số điện thoại báo ca, đứng tên chính chủ của anh Minh.

Số điện thoại của anh Minh được Đường Nhuệ, Ninh Đức Lợi sử dụng để làm số nhận báo ca. Nếu không sử dụng số điện thoại trên, Đường hoàn toàn có thể đi mua và sử dụng một số điện thoại khác.

Các dịch vụ tang lễ Thái Bình cũng không biết số điện thoại của anh Minh. Tài liệu điều tra xác định, không có căn cứ thể hiện ý thức chủ quan của anh Minh trong việc cung cấp số điện thoại cho Đường để giúp Đường trong việc cưỡng đoạt tài sản của các dịch vụ tang lễ, nên Cơ quan điều tra không xem xét xử lý.

Thu giúp tiền "báo ca" để cho nhanh

Đối với Đỗ Văn Nhật (SN 1969, Đông Hoàng, Tiền Hải, Thái Bình), người này là tổ trưởng các dịch vụ tang lễ huyện Kiến Xương. Thời điểm Lợi là người thu tiền báo ca, Lợi tổng hợp ca, đếm tiền chậm, thu chậm khiến các dịch vụ tang lễ mất nhiều thời gian.

Vì vậy, Lợi nhờ anh Nhật thu tiền của các dịch vụ tang lễ và đếm cùng. Sau đó một thời gian, Lợi bận, không trực tiếp ra thu tiền được thì Lợi nhờ anh Nhật thu hộ. Sau khi anh Nhật thu tiền, đều chuyển lại cho người của Đường Nhuệ như Úy, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường), Lợi.

Đệ Đường Nhuệ thu tiền “báo ca” chậm, cơ sở tang lễ tự nộp rồi thu cho nhanh  - Ảnh 2.

Do đàn em của Đường Nhuệ thu tiền "báo ca" chậm, ảnh hưởng tới hoạt động của các dịch vụ tang lễ ở Thái Bình, một chủ cơ sở dịch vụ tang lễ khi được nhờ đã thu hộ, kiểm đếm rồi đưa cho người của Đường Nhuệ.

Đến khi Thái và Cường làm công việc báo ca, đến ngày nộp tiền, Thái và Cường biết trong hiệp hội có anh Nhật làm được việc tổng hợp tiền báo ca nên nhờ anh Nhật kiểm đếm, thu tiền từ các dịch vụ dựa trên tờ giấy thống kê của Thái, Cường.

Thu xong thì anh Nhật chuyển cho Thái hoặc Cường, bản thân anh Nhật cũng phải nộp đủ tiền báo ca.

Như vậy, thực chất hành vi của Nhật là tổng hợp tiền thu được từ các dịch vụ tang lễ để chuyển lại cho người của Đường. Bản thân Đường cũng không biết anh Nhật là ai, không chỉ đạo anh Nhật phải làm giúp hiệp hội việc này, không hứa hẹn lợi ích gì với anh Nhật.

Hành vi của Nhật phát sinh là do có yếu tố khách quan tác động, chứ không phải do ý chí chủ quan của Nhật muốn giúp Lợi trong việc cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xác định hành vi của anh Nhật không hướng đến ý định cưỡng đoạt tài sản của Đường Nhuệ, mà hướng tới ý giúp các dịch vụ tiết kiệm thời gian mỗi khi đến nộp tiền.

Vai trò của con nuôi Đường Nhuệ

Đối với Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", con nuôi Đường Nhuệ), thanh niên này xuất hiện trong cuộc họp tại khách sạn Dầu khí TP.Thái Bình, trong cuộc họp có nói thay Đường Nhuệ ra tổ chức bữa ăn, nói với các dịch vụ là nếu có việc gì thì gọi cho Tiến, Tiến cho mọi người số điện thoại.

Đệ Đường Nhuệ thu tiền “báo ca” chậm, cơ sở tang lễ tự nộp rồi thu cho nhanh  - Ảnh 3.

Công an tỉnh Thái Bình cho rằng, không đủ căn cứ thể hiện Tiến "trắng" (phải) đã tiếp nhận ý chí phạm tội từ bố nuôi là Đường Nhuệ.

Xét trong bối cảnh cuộc họp, lời nói của Tiến "trắng" cho thấy Tiến hiểu và biết bố nuôi mình đang chủ trì, đứng đầu Hiệp hội tang lễ Thái Bình, sẽ đứng ra giải quyết các vụ việc, mâu thuẫn, tranh chấp trong hiệp hội.

Tuy nhiên, không buộc Tiến phải tiếp nhận ý chí của Đường Nhuệ và Nin trong việc yêu cầu các dịch vụ phải nộp 500 nghìn đồng tiền báo ca.

Tiến, Bằng và Sơn cũng xuất hiện ở cuộc họp của các dịch vụ tang lễ Thái Bình tại quán Cafe, tuy nhiên trong các cuộc họp, Tiến, Bằng và Sơn không có hành động, lời nói nào thể hiện việc ép buộc, tác động tới các dịch vụ tang lễ Thái Bình, không thể hiện việc Tiến, Bằng và Sơn đã tiếp nhận ý chí cưỡng đoạt tài sản của Đường và các bị can khác.

Ngoài ra, Công an tỉnh Thái Bình cho rằng, Tiến và Bằng có tham gia việc chặn xe tang lễ Hải Dương, mục đích của việc này là do Đường là chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, Đường muốn thể hiện là nếu vi phạm địa bàn thì không thể hoạt động bình thường được.

Tuy nhiên, không đủ căn cứ thể hiện Tiến, Bằng đã tiếp nhận ý chí phạm tội nên việc Tiến, Bằng tham gia vụ việc chỉ thể hiện dưới góc độ giúp sức trong hành vi có dấu hiệu cố ý gây thương tích, vì vậy Cơ quan điều tra không xem xét xử lý.

Đối với yêu cầu xác định rõ Đường sử dụng tiền chiếm đọat vào những việc gì, Cơ quan điều tra xác định, Đường sử dụng số tiền chiếm đoạt vào các mục đích cá nhân, Đường không nhớ được chi tiết đã sử dụng như thế nào.

Số tiền này Đường khai không cho ai, không mua sắm đồ vật, tài sản gì nên Cơ quan điều tra không có căn cứ xác minh làm rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem